GS Phan Huy Lê: “Biểu tượng bất tử” Võ Nguyên Giáp

Thân thế, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ghi vào lịch sử và tạc vào lòng dân như một biểu tượng của sự bất tử.


Là bạn học thân thiết với Phó Giáo sư Sử học Đặng Bích Hà (phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) nên Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam có dịp tiếp xúc thường xuyên với Đại tướng.

Ấn tượng đối với GS Phan Huy Lê trong mỗi lần gặp gỡ, tiếp xúc với vị Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam là sự đức độ, cởi mở, bình dị và am hiểu sâu sắc lịch sử.

GS Phan Huy Lê: “Biểu tượng bất tử” Võ Nguyên Giáp - ảnh 1
Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và GS Phan Huy Lê (ngồi bên cạnh)
 cùng một số nhà sử học chụp năm 1998

 

Những năm 1990, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận lời làm Chủ tịch danh dự Hội, GS Phan Huy Lê có cơ hội làm việc trực tiếp với Đại tướng. Nhờ vậy, Giáo sư có dịp báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Đại tướng về những hoạt động của Hội.

Được trực tiếp tham gia vào những công trình nghiên cứu về lịch sử chiến tranh cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Phan Huy Lê đã coi Đại tướng như một người thầy hiểu biết uyên thâm về lịch sử nên cần phải học hỏi nhiều từ Người.

Năm 2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có mời một số nhà sử học trong và ngoài nước đến trao đổi và nhìn nhận lại 50 năm chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Vinh dự là 1 trong những khách mời, Giáo sư Phan Huy Lê hết sức bất ngờ vì ngoài 90 tuổi nhưng cụ Giáp vẫn kể lại một cách rõ ràng, chi tiết và chính xác về toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 trong vòng 2 giờ với một niềm say mê, đầy hào khí như thời Đại tướng vẫn còn đang điều hành, chỉ đạo chiến dịch.

Có thể nói, những chiến công của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã đưa tên tuổi của Người trở thành huyền thoại và làm rạng danh non sông, đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Trước khi quyết định những trận đánh với kẻ thù, vị Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp luôn tìm hiểu kỹ tương quan lực lượng giữa ta và địch để cân nhắc việc bài binh bố trận một cách rất thận trọng nhằm mang lại chiến thắng nhưng cũng phải giảm thiểu tối đa tổn thất, thiệt hại về người và của trong nhân dân.

Thế nhưng khi nhắc đến những chiến công thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn khiêm tốn cho rằng, đó chính là công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn dân tộc đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để nắm chắc tay súng đứng lên chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.

Không chỉ có tầm vóc về trí tuệ và tài năng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là người mẫu mực trong mọi công việc. Đây không chỉ là phẩm chất đáng quý để người dân học tập mà còn có ý nghĩa đối với những nhà khoa học, quản lý và lãnh đạo.


Là một nhà quân sự kiệt xuất nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp không bao giờ tự bằng lòng với mình mà luôn không ngừng học hỏi, lắng nghe ý kiến của mọi người. Đại tướng bao giờ cũng kiêm tốn cho biết, tuy là một nhà chỉ huy nhưng thực ra ông chỉ tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị rồi đưa ra phương châm, đường lối triển khai.

Thế nhưng, đối với những tướng lĩnh quân đội, trong quá trình triển khai một trận đánh chống lại kẻ thù, tùy theo những tình thế, Đại tướng luôn có những sáng kiến kịp thời và chắc chắn đem lại chiến thắng. Đặc biệt, là sự sáng tạo trong cách đánh của lực lượng quân đội, dân quân du kích.

Sự sáng tạo trong nghệ thuật quân sự của vị Tổng Tư lệnh đã được đề cập rất rõ trong việc việc chuyển đổi phương châm chỉ đạo từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) và tư tưởng “thần tốc, thần tốc hơn nữa...” trong chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (năm 1975).

Nếu vị Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam không có sự sáng tạo kịp thời trong những trận đánh trên thì có lẽ sẽ không có những chiến thắng lừng lẫy, vang dội làm chấn động địa cầu.

Võ Nguyên Giáp-một trong những vị tướng lừng danh nhất

Theo Giáo sư Phan Huy Lê, cội nguồn hun đúc nên con người, tài năng, trí tuệ Võ Nguyên Giáp phải kể đến là sự gần gũi và học tập trực tiếp của Đại tướng với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

GS Phan Huy Lê: “Biểu tượng bất tử” Võ Nguyên Giáp - ảnh 2
GS Phan Huy Lê: "Thân thế, sự nghiệp, cống hiến của Đại tướng
Võ Nguyên Giáp đã được ghi vào lịch sử và tạc vào lòng dân như
 một biểu tượng của sự bất tử"

Tư tưởng “vì dân vì nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành con đường soi rọi và là nhiệm vụ xuyên suốt cả cuộc đời của vị anh cả quân đội nhân dân Việt Nam. Chính vì thế, Đại tướng luôn đau đáu suy nghĩ, làm bất cứ việc gì cũng phải đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết.

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao toàn quyền chỉ huy quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình không chỉ bằng một vài trận đánh, chiến dịch mà là cả hai cuộc kháng chiến chống 2 siêu cường sừng sỏ bậc nhất của thời đại là thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ kéo dài liên tục chưa từng có trong lịch sử là 30 năm.

Lịch sử đã chứng minh tài cầm quân, thao lược của vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp mà điển hình là chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) và chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (năm 1975).

Giáo sư Phan Huy Lê đã từng nói với các đồng nghiệp và những người cộng sự của mình rằng, thân thế, sự nghiệp, cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được ghi vào lịch sử và tạc vào lòng dân như một biểu tượng của sự bất tử.

Tài năng, công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với những cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc đã trở thành huyền thoại cho không chỉ dân tộc Việt Nam mà cả nhân loại trên thế giới.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S.McNamara- người thất bại trong cuộc chiến phi nghĩa ở Việt Nam đã phải cúi đầu công nhận sự nghiệp vẻ vang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; phải thừa nhận Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự có tầm cỡ, tài năng và phẩm giá của ông là sự hiển nhiên không thể chối cãi.

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 1995 và 1997, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S.McNamara đã phải thừa nhận: “Tôi rất tự hào là đối thủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Sử sách thế giới đã đánh giá tên tuổi và sự nghiệp của vị Tổng thư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những vị tướng lừng danh nhất của lịch sử nhân loại.

Năm 2001, Giáo sư Trần Văn Giàu đã từng nhấn mạnh: “Chúng ta đang đón chào thế kỷ XXI. Thế kỷ XX đã khép lại nhưng đó là thế kỷ đầy bi hùng và hào tráng, ghi lại biết bao sự kiện lớn với những con người có tên tuổi. Thế nhưng, khi thế kỷ XX lắng lại rồi thì chỉ còn lại 2 con người như hai biểu tượng. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Việt Nam-Hồ Chí Minh, Việt Nam-Võ Nguyên Giáp đã trở thành biểu tượng của Việt Nam. Tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm rạng danh non sông, đất nước Việt Nam. Đó không phải là quốc gia bình thường mà một dân tộc đứng lên đấu tranh để tự giải phóng mình, đấu tranh cho độc lập, tự do./.


Bích Lan/VOV online

Phản hồi

Các tin/bài khác