Lê Thị Hồng Phương - Nữ Giám đốc khởi nghiệp từ giống chè cổ búp tím

(VOV5) - Nhờ những nỗ lực trong đổi mới canh tác và chế biến, sản phẩm chè búp tím Thanh Ba được UBND tỉnh Phú Thọ cấp chứng nhận OCOP 5 sao. 

Dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo, cùng niềm đam mê và khát vọng, chị Lê Thị Hồng Phương đã thành công trong việc khôi phục lại giống chè cổ búp tím trên quê hương Thanh Ba, Phú Thọ. Sau 8 năm (2016) khởi nghiệp từ sản phẩm địa phương, hiện nay, thương hiệu Trà UT do chị làm chủ đã có mặt ở nhiều thị trường trong nước và quốc tế.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Chị Lê Thị Hồng Phương, Giám đốc công ty TNHH đầu tư và phát triển Trà UT, sinh ra và lớn lên ở Đỗ Sơn (huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ). Nhận được nhiều học bổng, cơ hội làm việc tại các công ty, tập đoàn quốc tế… tuy nhiên, chị đã quyết định nghỉ việc để về quê khởi nghiệp. Năm 2016, khi đó 28 tuổi, Hồng Phương mạnh dạn thành lập công ty TNHH đầu tư và phát triển trà UT tại Hà Nội, với sản phẩm chủ lực là chè xanh, nguồn vốn ban đầu chỉ có 300 triệu đồng (12.000 USD). Sau hơn 1 năm khởi nghiệp với đầy khó khăn, vừa làm giám đốc, vừa làm công nhân, tự tìm nguồn hàng và thị trường đầu ra, sản phẩm chè xanh của công ty bước đầu được khách hàng biết đến.

Lê Thị Hồng Phương - Nữ Giám đốc khởi nghiệp từ giống chè cổ búp tím - ảnh 1Chị Lê Thị Hồng Phương (thứ hai từ bên trái sang) giới thiệu sản phẩm chè búp tím - Ảnh: baophutho.vn

 Chị Phương tâm sự: "Bản thân là người con của Thanh Ba, sinh ra ở đất chè, nên tôi luôn đau đáu tìm ra một sản phẩm khác biệt, đặc trưng để tạo ra thương hiệu cho chè ở quê nhà. Trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, tôi đã tìm ra nhiều tài liệu về chè búp tím mà chỉ có ở vùng đất Thanh Ba".

Tình yêu quê hương đã thôi thúc chị trở về lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê mình... Năm 2017, chị quyết định chuyển công ty về quê nhà xã Đỗ Sơn, Thanh Ba, Phú Thọ. Bao khó khăn trước mắt nhưng không thể lay bước cô gái trẻ, một mình chị lại tiếp tục thuê đất, xây dựng nhà xưởng, mua thêm máy móc, trực tiếp tuyển dụng và đào tạo công nhân với phương pháp “Cầm tay chỉ việc”. Chị tự mày mò, tìm công thức chế biến cho mỗi loại chè, cứ mỗi mẻ chè cho vào chế biến, bao giờ chị cũng trực tiếp đứng ra đong đếm, chia trộn kỹ lưỡng theo tiêu chuẩn, định mức để thành phẩm chè sản xuất ra đảm bảo tiêu chí sạch, an toàn vệ sinh, chuẩn thương hiệu… Sau hơn 3 năm hoạt động, công ty đã đi vào ổn định đã có chỗ đứng trên nhiều thị trường trong nước và các nước, như: Pakistan, Afghanistan, Tajikistan, Đài Loan (Trung Quốc), Dubai, Anh, Đức, Ả Rập.
Chị Phương chia sẻ: "Chè búp tím có nhiều thành phần hoạt chất mà nhiều loại chè khác ko có. Vì vậy, tôi đã quyết tâm khôi phục lại giống chè này. Đến nay tôi đã có hơn 20 héc ta trồng giống chè này. Đây cũng là sản phẩm mà tôi đã khởi nghiệp thành công".

Với phương châm không ngừng đổi mới, sáng tạo, tạo sự đột phá khác biệt để thành công. Năm 2020, chị quyết định xây dựng thêm cơ sở chế biến chè tại xã Vân Lĩnh (Thanh Ba, Phú Thọ), diện tích 800 m2. Chị mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, mở rộng đầu tư thị trường xuất khẩu, lên ý tưởng sản xuất, chế biến chè búp tím.

Theo chị Phương: "Trên thị trường chè hiện nay có rất nhiều loại chè nổi tiếng... nhưng sản phẩm chè Phú Thọ vẫn chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường. Bản thân tôi và doanh nghiệp muốn mang đến sản phẩm chè UT cho cộng đồng yêu trà trong nước và quốc tế một sản phẩm đặc trưng của Phú Thọ. Chính vì vậy, chúng tôi tập trùng tạo nên thương hiệu của mình với dòng trà búp tím, dòng trà chỉ có vùng đất này. Chúng tôi tập trung vào các giá trị vào những hoạt chất mà chỉ có trong dòng trà búp tím mà không có dòng trà nào có được".

Lê Thị Hồng Phương - Nữ Giám đốc khởi nghiệp từ giống chè cổ búp tím - ảnh 2Chị Lê Thị Hồng Phương trình bày bài dự thi tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 do Hội LHPN Việt Nam tổ chức - Ảnh: baophutho.vn

Xác định vùng nguyên liệu chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để xây dựng thương hiệu chè búp tím, chị đã khảo sát thổ nhưỡng, vận động, liên kết với 20 hộ dân có đất, đầu tư giống, phân sinh học, hướng dẫn người dân về quy trình trồng chè búp tím bằng phương pháp hữu cơ. Đồng thời, công ty bao tiêu đầu ra với giá thành chè búp cao gấp 7-8 lần so với chè xanh. Ngoài ra, quy trình trồng chè búp tím được công ty và người dân canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo không chỉ ngon, có tính y học đặc biệt mà còn an toàn, lưu giữ và phát huy hết công dụng của sản phẩm. Hiện nay, 100% diện tích chè búp tím được chăm sóc, thu hái đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, thu hái đúng tiêu chuẩn một tôm 2 lá non. Với 17 ha áp dụng quy trình sản xuất mới, sản lượng thu hoạch năm ngoái đạt khoảng 25 tấn chè búp tím tươi.

Chị Lê Thị Hồng Phương cho biết:"Phát triển chè theo hướng hữu cơ là xu hướng tất yếu, bởi chỉ có phương pháp này mới giúp cho việc canh tác nông nghiệp bền vững, an toàn cho môi trường và người sử dụng. Chúng tôi mong muốn đưa đến các sản phẩm không chỉ ngon, độc đáo, mà còn an toàn cho người dùng".

Không lùi bước trước khó khăn, đổi mới, sáng tạo cùng tình yêu với cây Chè, nữ giám đốc trẻ đã thành công trong hành trình khôi phục lại giống chè búp tím và lan tỏa năng lượng tích cực tới cộng đồng với thông điệp “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”.

"Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thì tôi rất nhiều cơ hội. Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là xu thế thì cơ hội rất lớn cho khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Đối với các bạn trẻ đang có ý tưởng tốt, có sự quyết tâm cao và định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, tôi tin các bạn sẽ thành công. Hãy tin tưởng chính bản thân mình để có thêm cơ hội khởi nghiệp thành công" - chị Phương nói.

Nhờ những nỗ lực trong đổi mới canh tác và chế biến, sản phẩm chè búp tím Thanh Ba được UBND tỉnh Phú Thọ cấp chứng nhận OCOP 5 sao. Đồng thời, dự án “Sản xuất, chế biến chè búp tím Thanh Ba” của chị Phương đã đạt giải nhì vòng chung kết cấp vùng cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác