Tiền Giang: Người phụ nữ khởi nghiệp thành công từ trái dưa lưới

(VOV5) - Mỗi tháng Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong của chị Lê Thị Kim Chi cung cấp cho thị trường từ 60-100 tấn dưa lưới. 

Gần đây, hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong (xã Mỹ Phong, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã có hướng đi riêng trong sản xuất kinh doanh và đã thành công. Trong thành quả này có sự đóng góp rất tích cực của chị Lê Thị Kim Chi, giám đốc Hợp tác xã, người phụ nữ chọn trái dưa lưới để khởi nghiệp, giúp nông dân có đầu ra và thu nhập ổn định.

Tiền Giang: Người phụ nữ khởi nghiệp thành công từ trái dưa lưới - ảnh 1Chị Lê Thị Kim Chi kiểm tra hàng trước khi giao cho đối tác - Ảnh: VOV

Từ năm 2017, chị Lê Thị Kim Chi thành lập Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong với chức năng là sản xuất, kinh doanh rau củ quả, trong đó tập trung phát triển trái dưa lưới. Trước đây, chị Lê Thị Kim Chi chỉ trồng dưa lưới với quy mô nhỏ để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Sau đó, thấy mô hình sản xuất này có hiệu quả, nhất là ít bị cạnh tranh về đầu ra như các mặt hàng nông sản khác, nên chị tiếp tục thuê đất nhân rộng.

Ban đầu, Hợp tác xã chỉ có 30 thành viên, nhưng với sự điều hành năng động, linh hoạt của chị Chi, hoạt động sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong ngày một đi lên. Đến nay, Hợp tác xã đã có hơn 100 thành viên chuyên sản xuất trái dưa lưới với trên 100 nhà lưới. Sản phẩm dưa lưới chị trồng đều áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, trồng trong nhà lưới, tiêu chuẩn VIETGAP nên sản phẩm đạt năng suất và chất lượng cao. Ngoài việc bán lẻ, chị Kim Chi còn ký hợp đồng với hệ thống siêu thị Bách hóa Xanh, các thương lái tại địa phương thu mua nên đầu ra ổn định.

Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình, chị Lê Thị Kim Chi cho biết: "Khi tiếp xúc với trái dưa lưới thì ngày càng có sự say mê. Sau khi trồng, bán ra, mình có cơ duyên hợp tác với siêu thị Bách hóa xanh. Sau đó cứ từ từ từ phát triển dần lên. Nếu trồng dưa lưới để đạt hiệu quả cao thì mình phải kỹ lưỡng, từ công thức, bón phân, thuốc…đến người trực tiếp chăm sóc vườn phải thật kỹ lưỡng khâu chọn hạt giống, cây con, thụ phấn, chọn trái".

Hiện nay, mỗi tháng Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong của chị Lê Thị Kim Chi cung cấp cho thị trường từ 60-100 tấn dưa lưới. Năm ngoái, Hợp tác xã đạt con số kỷ lục hơn 1.090 tấn, đạt doanh thu gần 20 tỷ đồng (hơn 800 nghìn USD).

Tiền Giang: Người phụ nữ khởi nghiệp thành công từ trái dưa lưới - ảnh 2Mô hình sản xuất dưa lưới đòi hỏi phải áp dụng đúng kỹ thuật mới có năng suất, chất lượng cao - Ảnh: VOV

Hoạt động của Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong có hiệu quả, đời sống người nông dân ổn định và phát triển và còn đóng góp các công tác  xã hội, xây dựng địa phương. Ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thon tỉnh Tiền Giang, cho biết chị Lê Thị Kim Chi lãnh đạo, điều hành Hợp tác xã với hướng đi rất tốt, có chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường. Sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã đã đạt OCOP (mỗi địa phương một sản phẩm), có thương hiệu mạnh tại địa phương:

"Hợp tác xã Mỹ Phong hoạt động tốt lắm, đặc biệt là dưa lưới, thị trường tiêu thụ mạnh lắm, tiêu thụ cho người dân rau củ, quả nữa. Năm mùa dịch COVID-19, Hợp tác xã đã cung cấp cho thành phố Hồ Chí Minh 37 nghìn combo (suất) hàng dưa lưới trị giá đến mấy chục tỉ đồng. Địa phương cũng đang xem xét, hỗ trợ để Hợp tác xã phát triển hạ tầng để làm nhà xưởng và hiện đang được phê duyệt" - theo ông Võ Văn Lập.

Ở tuổi 37, chị Lê Thị Kim Chi đã khá vững vàng, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh và có niềm đam mê, sự quyết tâm lớn để sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm dưa lưới phục vụ cho thị trường khắp cả nước. Chị Lê Thị Kim Chi bày tỏ: "Thời gian tới, Hợp tác xã của chúng tôi vẫn đi theo hướng của Bách hóa xanh bởi vì bên đó tiêu thụ nhiều và có phát triển ra khu vực ngoài Bắc. Hợp tác xã sẽ liên kết để tiếp tục giao hàng ra ngoài đó. Hiện tại, chúng tôi đã nhân rộng ra ngoài 100 vườn rồi, có những hộ của những Hợp tác xã lân cận mà chưa đi được hàng, chúng tôi sẽ liên kết lại, tập hợp lại để nhân rộng mô hình ra hơn 150 vườn".

Vùng ĐBSCL có không ít hợp tác xã nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiếu đầu ra cho sản phẩm, song Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) có chiến lược sản xuất, kinh doanh đúng hướng, đã phát triển rất hiệu quả. Trong thành quả đó có sự đóng góp rất tích cực của chị Lê Thị Kim Chi, người phụ nữ có duyên với trái dưa lưới.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác