Phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp: Khó khăn và thách thức

(VOV5) - Chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số rất cần cù, chịu thương, chịu khó, nhưng họ bị hạn chế bởi nhiều khuôn phép, tập tục của gia đình, xã hội.

Khởi nghiệp chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng, bởi ngay từ ý tưởng, rồi cách thức triển khai, đều có rất nhiều thách thức. Thế nhưng, với ý chí, quyết tâm vươn lên, không ít người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ ở những bản làng miền núi xa xôi, đã mạnh dạn, tự tin thực hiện có hiệu quả ý tưởng khởi nghiệp gắn liền với những thế mạnh ở địa phương. Câu chuyện khởi nghiệp của chị em ở bản Bướt, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, là một ví dụ.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 

Bản Bướt, xã Chiềng yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, vài năm trở lại đây,  nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp xã hội, cùng sự vươn lên của chính bà con trong bản, cuộc sống của nhiều gia đình đã có nhiều thay đổi tích cực.

Phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp: Khó khăn và thách thức - ảnh 1Du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân trong bản - Ảnh: Báo Sơn La

Trước đây, ở bản Bướt, người dân chủ yếu sống nhờ vào nông nghiệp nhưng giờ đây, bản Bướt đã trở thành địa điểm du lịch yêu thích của du khách và ngày càng nhiều người tìm đến để tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên trong lành. Từ đó, các mô hình dịch vụ du lịch ra đời. Mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình du lịch homestay, chị Hà Thị Hiếm, bản Bướt, xã Chiềng yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, chia sẻ: "Từ khi bắt đầu làm du lịch thì cuộc sống gia đình nói chung có nhiều thay đổi, thu nhập khá hơn so với làm nông nghiệp trước đây. Hằng tháng, tài chính gia đình ổn định, có điều kiện để nuôi các con ăn học tốt hơn. Mong ước là mô hình homestay của tôi sẽ được nhân rộng hơn, phát triển hơn ở trong bản, có nhiều hộ gia đình kinh doanh homestay hơn, thu hút được nhiều du khách hơn để cho bản làng em ngày càng phát triển".

Không chỉ cho thu nhập từ dịch vụ lưu trú, chị Hà Thị Hiếm còn cung cấp cho du khách những bữa cơm mang đậm truyền thống địa phương, bán cho du khách mang về làm quà những sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, như: gạo, ngô, khoai, măng… Nhờ đó, doanh thu khá ổn định. 

Mô hình khởi nghiệp của chị Hà Thị Hiếm hiện đã và đang hoạt động có hiệu quả, thu hút đông đảo chị em khác tham gia. Nhưng không phải chị em nào cũng dám nghĩ, dám làm. Ông Phạm Xuân Định, Phó trưởng phòng văn hóa huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, cho rằng: "Để chị em phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp, cách tốt nhất là phải tạo động lực để chị em vượt qua những rào cản, tự tin vươn lên. Thách thức lớn nhất là chị em có dám nghĩ, dám làm hay không, có dám bắt mình phát triển hơn không. Còn, cơ hội thì rất nhiều để phụ nữ phát huy được giá trị của bản thân, phát huy được tối đa những gì mà họ hiểu biết về văn hóa truyền thống của địa phương. Từ đó, họ sẽ quảng bá hình ảnh của dân tộc mình đến đông đảo du khách, không chỉ trong nước mà còn khách quốc tế".

Phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp: Khó khăn và thách thức - ảnh 2Homestay Vân Hồ Agritage giới thiệu đặc sản địa phương cho du khách - Ảnh: Báo Sơn La

Mới đây, bà Christine Hà, một đầu bếp khiếm thị người Mỹ gốc Việt, người đã giành ngôi vị quán quân trong cuộc thi Vua Đầu Bếp Mỹ, trong chuyến hành trình 12 ngày tại Việt Nam với vai trò là đại sứ văn hóa, đã đến bản Bước chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình. Từ đó, phần nào giúp chị em người dân tộc thiểu số nơi đây có thêm nguồn cảm hứng. Chị Hà Thị Uyên sống ở bản Bước, tâm sự: "Câu chuyện của bà Christine Hà tiếp thêm động lực cho những người phụ nữ ở vùng cao như chúng tôi thêm tự tin để có thể cũng biết kiếm tiền, biết tự chủ để phát triển kinh tế".

Chị Bàn Thị Kiều, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, khẳng định bản chất của chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số là rất cần cù, chịu thương, chịu khó, nhưng họ bị hạn chế bởi nhiều khuôn phép, tập tục của gia đình, xã hội. Do vậy, câu chuyện của vua đầu bếp Christine Hà rất hữu ích với chị em. "Bản thân là cán bộ Hội phụ nữ, tôi cũng sẽ tiếp lửa, làm cầu nối cho chị em trên địa bàn có thêm sức mạnh, khuyến khích chị em cùng nhau phát triển. Buổi chia sẻ của bà Christine Hà đã truyền được cảm hứng cho đông đảo chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số ở đây, nhưng điều quan trọng nhất vẫn ở chính bản thân của mỗi chị em, phải biết khẳng định mình, chứng minh khả năng của mình" - chị Kiều nói.

Cơ hội luôn ở phía trước. Nhiều chị em ở bản Bướt, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, nói riêng, phụ nữ dân tộc thiểu số, nói chung, đã và đang nắm bắt cơ hội khởi nghiệp ngay tại địa phương, chứng minh được năng lực của bản thân, tạo ra được giá trị kinh tế cho gia đình, đồng thời đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác