(VOV5) - Cùng với việc phát triển vườn chanh tứ quý, anh Khổng Văn Nam luôn sẵn sàng chia sẻ, lan toả những kinh nghiệm của mình.
Cách đây 9 năm, năm 2015, khởi nghiệp từ việc trồng cây chanh bốn mùa, còn gọi là chanh tứ quý, anh Khổng Văn Nam, ở tổ dân phố 2, phường Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Việt Bắc, đã có gần 100 ha cây chanh tứ mùa. Nông dân Khổng Văn Nam không chỉ làm giàu cho riêng mình mà còn cùng người dân địa phương phát triển vùng trồng chanh theo hướng hàng hoá đặc sản giá trị gia tăng cao.
Anh Khổng Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Bắc, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) kiểm tra chanh trước khi xuất ra thị trường - Ảnh: baotuyenquang.com.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Năm 2013, anh Khổng Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Việt Bắc, trong một lần đi vào các tỉnh phía Nam, thấy mô hình trồng chanh tứ mùa cho thu hoạch quanh năm, hiệu quả cao. Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế, phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương nên anh đã quyết định chuyển đổi từ trồng ngô sang chanh tứ mùa. Ban đầu, để tìm đầu ra cho quả chanh, anh Nam lặn lội đến từng quán ăn, chợ đầu mối để bán. Đến nay, chanh tứ quý đang trở thành một thương hiệu có tiếng. Thị trường tiêu thụ chanh ổn định quanh năm, dù chính vụ hay trái vụ đều cho thu nhập cao.
Anh Khổng Văn Nam chia sẻ: "Tôi thành lập Hợp tác xã chỉ là muốn đầy đủ tư cách pháp nhân để xuất hàng vào thị trường yêu cầu hóa đơn, truy xuất nguồn gốc và để giúp các thành viên khó khăn. Sản phẩm bà con làm ra mua theo giá cả thị trường".
Khi mới thành lập, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Việt Bắc chỉ có 9 thành viên, với trên 10 ha cây chanh tứ mùa. Đến nay, hợp tác xã đã tổ chức liên kết với trên 100 hộ dân bằng hình thức góp đất, đưa diện tích chanh ở phường Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang, lên gần 100 ha, thu nhập ổn định trên 1 tỷ đồng (khoảng 40.000 USD)/ha/năm. Hợp tác xã đã đầu tư dây chuyền chế biến sâu nước cốt chanh tươi, tinh dầu chanh, nước rửa bát... để đẩy mạnh tiêu thụ và được thị trường ưa thích.
Anh Khổng Văn Nam hi vọng thời gian tới sẽ mở rộng thêm nhiều xã viên và nâng diện tích trồng chanh tứ mùa lên 200ha để đảm bảo nguồn cung cho thị trường xuất khẩu. Điều này giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều xã viên, từ đó giúp xã viên làm giàu trên chính mảnh đất của mình và tạo động lực, cổ vũ cho nhiều hộ dân làm theo. Anh Khổng Văn Nam cho biết thêm: "Chúng tôi hướng về trồng hữu cơ, cũng xác định việc trồng hữu cơ mới đảm bảo giá trị bền vững cho cây trồng mang lại năng suất chất lượng tốt. Nếu không sử dụng hữu cơ thì không hiệu quả".
Hiện tại sản phẩm chanh tứ mùa của Hợp tác xã Nông nghiệp Việt Bắc đã xuất khẩu sang các nước châu Âu và có mặt ở hầu hết các siêu thị ở miền Bắc như: Winmart, Coop Mart và chợ truyền thống. Đồng hành cùng với các hợp tác xã, người dân trong phát triển cây chanh tứ quý trên địa bàn, Thành phố Tuyên Quang đã có chiến lược phát triển cây chanh tứ mùa theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGap... từ đó hình thành vùng kinh tế bền vững.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND phường Đội Cấn thành phố Tuyên Quang, cho biết: "UBND thành phố chỉ đạo Phòng kinh tế thành phố phát triển mã vùng trồng, hiện đang xây dựng mã vùng trồng. Mong rằng thời gian tới, chúng tôi sẽ tạo được mã vùng trồng và thương hiệu chanh. Định hướng của chúng tôi là phát triển ra thị trường các nước. Hiện, cũng có một số nước sang thăm quan, tìm hiểu sản phẩm".
Cùng với việc phát triển vườn chanh tứ quý, anh Khổng Văn Nam luôn sẵn sàng chia sẻ, lan toả những kinh nghiệm của mình để các tổ chức, cá nhân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển chanh tứ quý trên địa bàn. Với sự lan toả của anh, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã lựa chọn cây chanh tứ quý để phát triển kinh tế, đã có nhiều hộ gia đình giàu lên từ cây chanh tứ quý.