Người khởi nghiệp đưa khoai lang thành các sản phẩm chế biến sâu

(VOV5) -Theo anh Nguyễn Thanh Việt chế biến sâu chính là chìa khóa mở ra hướng đi mới cho khoai lang.

Nghe âm thanh bài tại đây:

Tận dụng nguồn nguyên liệu khoai lang sẵn có ở địa phương, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Việt, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ thực phẩm và nông nghiệp Mekong thuộc Trường cao đẳng Cộng đồng Vĩnh Long, đã chế biến ra những loại bánh độc đáo từ khoai lang. Anh sáng lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên bánh Nhật Ngọc, Công ty chuyên chê biến sâu các sản phẩm từ khoai lang, giúp tăng giá trị củ khoai lang.

Huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, là nơi trồng nhiều khoai lang nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng khoai lang nơi đây đạt hơn 300.000 tấn/năm. Tuy nhiên, trước đây, khoai lang thì rất nhiều nhưng giá cả bấp bênh, có khi giá chỉ 1.000 đồng/kg, giá thấp nếu trồng sẽ lỗ vốn, do vậy người nông dân để trắng đồng rất nhiều. Nhiều lần đi công tác về vùng đất Bình Tân, anh Việt cứ trăn trở với hình ảnh bà con nông dân một nắng hai sương nhưng giá nông sản lại trồi sụt thất thường, khiến chủ ruộng lao đao.

Người khởi nghiệp đưa khoai lang thành các sản phẩm chế biến sâu - ảnh 1Anh Việt với sản phẩm bánh làm từ khoai lang. Ảnh: Tuổi Trẻ

Anh Nguyễn Thanh Việt bộc bạch: "Năm 2018, tôi tham gia giảng dạy ở khu vực Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Hồi đó, tôi có gặp và nói chuyện với một người nông dân mà chú đó nói một câu làm cảm giác nhói lòng là năm nay bỏ đồng trắng vì giá khoai lang thấp hơn so với việc phải bỏ công chăm sóc. Khoai lang bán chỉ 1000 đồng/kg trong khi công chăm sóc thu hoạch mất 2000 đồng/kg. Từ đó, tôi nghĩ phải tạo ra giá trị cho củ khoai lang và phải tiêu thụ được khoai lang trên chính quê hương mình.

Tôi quyết định làm các loại bánh từ khoai lang để khoai lang không dừng lại là củ khoai mộc mạc mà giá trị tăng lên gấp nhiều lần với các sản phẩm khác nhau. Với lại, ở tỉnh Vĩnh Long thì sản phẩm đặc trưng nhiều nhưng đặc sản nổi bật lại rất ít. Bản thân tôi muốn tạo thành một đặc sản của Vĩnh Long, khi đó đến đây người ta sẽ nhớ đặc sản tỉnh nhà là bánh khoai lang để có thể mua tặng, biếu người thân và đối tác."

Từ mong muốn đó, cách đây hơn 5 năm (tháng 12/2018), ý tưởng dịch vụ thức ăn, nước uống kết hợp hướng dẫn làm sản phẩm thủ công của thầy giáo Nguyễn Thanh Việt đã đoạt giải nhì (không có giải nhất) ở cuộc thi khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ chủ trì và thực hiện.

Người khởi nghiệp đưa khoai lang thành các sản phẩm chế biến sâu - ảnh 2Sản phẩm bánh phồng khoai lang Nhật Ngọc. Ảnh: vovgiaothong.vn

Theo anh Nguyễn Thanh Việt chế biến sâu chính là chìa khóa mở ra hướng đi mới cho khoai lang. Nghĩ là làm, anh Việt quyết định tận dụng lợi thế đam mê ẩm thực, khéo nấu nướng khi sử dụng hầu hết các loại: khoai lang vàng, khoai lang sữa, khoai lang mỡ tím, khoai lang bí đỏ... để chế biến khoai thành những dòng thực phẩm vừa mang phong cách hiện đại vừa vẫn giữ nét truyền thống. Tháng 7/2019, Anh cùng vợ quyết định khởi nghiệp, thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên bánh Nhật Ngọc. Ban đầu, thử nghiệm sản xuất, mỗi sản phẩm ra lò anh đều mời bạn bè, đồng nghiệp, bà con nông dân ăn thử và cho ý kiến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ dày công nghiên cứu và nhạy bén thay đổi công thức chế biến, đến nay, Công ty của anh Việt đã sản xuất được các sản phẩm đa dạng.

Anh Nguyễn Thanh Việt cho biết: "Hiện tại, Công ty bánh Nhật Ngọc có 6 sản phẩm OCOP (Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm), trong đó có bánh phồng khoai lang, bánh quy khoai lang, bánh Trung thu khoai lang, bánh nướng từ ngũ cốc, bánh tét, vỏ bưởi sấy. Những sản phẩm OCOP này sẽ hỗ trợ người nông dân khắc phục tình trạng được mùa mất giá. Mỗi một sản phẩm tới tay người tiêu dùng có sự khác biệt. Ngoài yếu tố sản phẩm còn có sự khác biệt chiến lược kinh doanh, thị trường, cách tiếp cận của doanh nghiệp đối với khách hàng và trải nghiệm của khách hàng về những sản phẩm. Mỗi sản phẩm đều được điều chỉnh, định vụ cho phù hợp với văn hóa vùng miền. Những sản phẩm OCOP đều là những sản phẩm đáng tin cậy."

Công ty của anh Thanh Việt đã mở rộng thêm 1 xưởng sản xuất. Hiện, các sản phẩm bánh từ khoai lang của Công ty anh Nguyễn Thanh Việt đã có mặt ở nhiều địa phương, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Trà Vinh, Long An, Vĩnh Long. Đặc biệt, sản phẩm bánh phồng khoai lang tím của Công ty anh Việt đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Dự án bánh phồng khoai lang của anh cũng liên tiếp nằm trong top 30 dự án cả nước vào chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thanh niên nông thôn năm 2019 và 2020. Cũng vì sản phẩm của Công ty anh Việt mang hương vị ngon, lạ mắt nên nhanh chóng được nhiều người biết đến và đặt mua.

Một khách hàng ở tỉnh Vĩnh Long đánh giá: "Tôi thấy sản phẩm của anh Việt được trưng bày rất đa dạng. Từ củ khoai lang mà làm ra được nhiều sản phẩm như vậy là rất tốt cho người nông dân. Bởi vì vừa giải quyết được thị trường đầu ra cho nông sản của người nông dân lại vừa mang lại giá trị, nhiều sản phẩm đa dạng để người tiêu dùng lựa chọn."    

Anh Nguyễn Thanh Việt đang ấp ủ về mô hình du lịch trải nghiệm với khoai lang để giúp đặc sản của quê nhà được nhiều người biết đến hơn nữa. Trong tương lai, Công ty của anh tiến tới sẽ sớm xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác