TEAMLEE và hành trình trở về của 30 tấm chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ

(VOV5) -Team đã có thể trao 30 tấm ảnh trên 32 tấm anh hùng liệt sỹ vì có 2 tấm ảnh không có ảnh cũng không có thông tin.

Trong suy nghĩ của quý vị và các bạn, lịch sử là gì? Chắc chắn mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau. Đối với nhóm Teamlee gồm 12 bạn trẻ thế hệ GenZ, thì lịch sử không chỉ là những con số, những sự kiện, những chiến tích hào hùng của cha ông trong quá khứ mà lịch sử còn là nỗi đau của những gia đình thiếu vắng người thân hàng chục năm chưa tìm thấy phần mộ. Là những giọt nước mắt chưa bao giờ cạn của các mẹ, các bà khi nhớ chồng, nhớ con…Và đó là cả những tấm di ảnh không còn trọn vẹn…ố mờ bởi thời gian… 

Nghe âm thanh phóng sự tại đây: 
Với công nghệ 4.0 - 12 chàng trai trẻ đã phục dựng những tấm chân dung của các anh hùng liệt sỹ…đưa họ trở về với mẹ, với gia đình trong một sắc thái ấm áp, gần gũi và đẹp hơn…Đó cũng là cách mà nhóm Teamlee tri ân tới những người đã không tiếc máu xương cho cuộc sống hoà bình hôm nay.

Những ngày này, cùng với cả nước, các thành viên nhóm Teamlee hành quân lên Điện Biên, mang theo 30 tấm chân dung Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ được phục dựng để trao tặng Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ...với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau...

TEAMLEE và hành trình trở về của 30 tấm chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ - ảnh 1Thành viên Teamlee bên những bức chân dung

Điện Biên Phủ - những ngày cuối tháng Tư, nắng nóng rát bỏng trải dài trên những chiến tích lịch sử, nơi 70 năm trước là chảo lửa ác liệt, ghi dấu chiến thắng vang dội chấn động địa cầu của quân và dân ta trước thực dân Pháp. Trải qua chuyến đi dài, đặt chân đến mảnh đất lịch sử, trong mỗi thành viên của nhóm Teamlee đều là những cảm xúc hồi hộp, háo hức, mong chờ…

Mình là Lê Quyết Thắng, trưởng nhóm Teamlee. Chuyến này lên Điện Biên gần 500 km và team phải đi mất 12 tiếng. Đoàn đi thì cũng phải bê ảnh lên nữa để không bị rơi, vỡ. Em và các thành viên chưa lên Điện Biên, thật sự cũng rất háo hức.

Em là Phùng Quang Trung. Khi đến đây em cảm nhận được sự hy sinh, sự đánh đổi của cha ông ta rất lớn. Cảm xúc của chúng em trong buổi trao 30 bức này rất xúc động, nghẹn ngào.

30 tấm chân dung các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ được lồng khung kính kích thước 40x60cm với sắc thái sống động, chân thực từng chi tiết được đặt trang trọng ngay dưới những tấm ảnh đen trắng của các anh đã gây sự xúc động mạnh tới người xem: "Những bức hình được khôi phục rất sinh động, rất đẹp. Mình nhìn vào đó, nhìn vào tên tuổi, nhìn vào những gương mặt...mình cảm thấy rất tự hào.

TEAMLEE và hành trình trở về của 30 tấm chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ - ảnh 2Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ đón nhận các bức chân dung của nhóm Teamle

Nó rất đẹp và thể hiện được thần thái của các anh hùng. Đấy cũng là điều chứng tỏ rằng sự tưởng nhớ của chúng ta, những người đang sống hiện nay với những người đã hy sinh, đấy là điều rất đáng trân trọng với việc làm của các bạn.

Để có 30 tấm chân dung ấy là cả một quá trình lội ngược dòng trở về quá khứ và cũng là một thách thức đối với nhóm Teamlee, bởi phục dựng những chi tiết liên quan đến lịch sử là điều không bao giờ dễ dàng, nhất là với những thanh niên được sinh ra trong thời bình.

Nhóm Teamlee chia sẻ:  "Làm thì phải xác minh những bức ảnh cho thật chuẩn xác vì sẽ trưng bày tại bảo tàng vì một số huân, huy chương rất cũ. Thực sự khó khăn trong việc xác minh huân, huy chương ấy vì rất nhiều. Các cụ có 3-4 huy chương trên áo nên cần sự tư vấn của gia đình, của bảo tàng.

"Bắt tay vào làm thực sự có rất nhiều khó khăn, bởi có khi trao đổi với bảo tàng, có những chi tiết, bảo tàng cũng khó có thể hình dung ra được cho nên là quá trình trao đổi rất nhiều lần thì mới có thể hoàn thành một bức ảnh ưng ý nhất."

Trong quá trình chúng em tiến hành làm thì mặc dù ảnh của các ông, các bác không phải mờ nhưng khó khăn nhất với chúng em là quân phục tiểu tiết, cực kỳ khó. Phải hỏi qua lại với bảo tàng rất nhiều và anh em cũng họp với nhau rất nhiều đêm, trao đổi liên tục để có thể làm sát và tốt nhất.

TEAMLEE và hành trình trở về của 30 tấm chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ - ảnh 3                  Thành viên Teamlee bên những bức chân dung

Team đã có thể trao 30 tấm ảnh trên 32 tấm anh hùng liệt sỹ vì có 2 tấm ảnh không có ảnh cũng không có thông tin. Team cũng đã cố gắng xác minh gia đình thân nhân liệt sỹ để có thể làm nhưng thật sự không có thông tin nên chưa thể làm được. Những trường hợp ảnh mô phỏng có thể làm được nếu mọi người có thể nhớ và mô tả lại giống ai trong những người thân trong gia đình. Rất hy vọng có thể làm được trọn vẹn 32 tấm ảnh.

Giữa những hiện vật, tư liệu…về chiến thắng Điện Biên Phủ, 30 tấm chân dung Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân được phục dựng màu đã mang đến Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ một không gian ấm áp, gần gũi. Vẫn là anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, là anh hùng Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo, anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Trần Can-anh hùng cắm cờ trên cứ điểm Him Lam…Nhưng với sắc thái mới, sự trở về của các anh thật tự nhiên, sống động như các anh vẫn đang ở đây, giữa cuộc sống đời thường. Đó cũng là chia sẻ của bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ: "Khi tiếp nhân 30 tấm chân dung này thì hết sức xúc động vì tất cả các gương mặt của các Anh hùng đều có khí sắc, ánh mắt cũng như gương mặt của anh hùng đều rất chuẩn xác. Tôi nghĩ rằng các bạn làm không đơn thuần chỉ là các bạn yêu thích mà các bạn làm bằng cả trái tim của mình để có thể đem lại những thông tin, hình ảnh đẹp nhất, hào hùng nhất của các anh hùng để gửi tới đông đảo công chúng."

Một mùa hè đỏ rực của những tán phượng nở trên đồi A1 như ghi dấu cuộc hành quân về miền đất lịch sử của nhóm Teamlee cùng 30 tấm chân dung Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân-thêm một mốc son cho những hoạt động tri ân của thế hệ trẻ ngày nay với thế hệ cha anh đã ngã xuống.

"Hành trình cuả nhóm em làm đến bây giờ đơn thuần không chỉ dừng lại ở việc phục dựng ảnh mà còn mong muốn là cầu nối kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai để các bạn trẻ sống với đạo lý uống nước nhớ nguồn và đặc biệt là không được quên lịch sử, bởi có lịch sử thì mới có chúng ta. Thì chúng em mong muốn cầu nối này lan toả lớn hơn nữa để các bạn trẻ cùng đồng hành để kịp thời tri ân tới các gia đình liệt sỹ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác