(VOV5)- Bản sắc lệnh số 14 ngày 8/9/1945 gồm 7 điều quy định rõ trong thời hạn hai tháng kể từ ngày ký sắc lệnh sẽ mở cuộc tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội.
Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 14 về cuộc tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên về bầu cử. Ngay sau đó, Chính phủ lâm thời còn ra một loạt sắc lệnh để xúc tiến công việc chuẩn bị cụ thể cho tổng tuyển cử. Nội dung của các bản sắc lệnh này đến nay vẫn mang nhiều giá trị.
Bản sắc lệnh số 14 ngày 8/9/1945 gồm 7 điều quy định rõ trong thời hạn hai tháng kể từ ngày ký sắc lệnh sẽ mở cuộc tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội. Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường. Một Ủy ban để dự thảo thể lệ cuộc tổng tuyển cử sẽ được thành lập. Để dự thảo một bản Hiến pháp đệ trình Quốc hội, một Ủy ban khởi thảo Hiến pháp 7 người sẽ thành lập.
|
Hình ảnh cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946 (Ảnh tư liệu) |
Ngoài bản sắc lệnh này, còn có sắc lệnh 34 thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp, sắc lệnh 51 về ấn định thể lệ tổng tuyển cử, sắc lệnh 71 nhằm tạo thuận lợi cho người ứng cử. Nói về giá trị của các bản sắc lệnh đầu tiên về bầu cử trong bối cảnh đất nước lúc đó, Phó giáo sư Sử học Lê Mậu Hãn nhận định: “Trong bối cảnh đất nước vẫn tiếp tục có những khó khăn thù trong, giặc ngoài, các bản sắc lệnh về bầu cử không chỉ thể hiện sự chuẩn bị chu đáo cho ngày toàn dân được cầm lá phiếu đi bầu người đại diện mà còn thể hiện mạnh mẽ và sâu sắc giá trị dân chủ. Trong từng quy định của sắc lệnh đều phản ánh rất rõ giá trị đó”.
Cuộc tổng tuyển cử tuy là lần đầu tiên ở nước ta nhưng đã được thực hiện một cách đầy đủ nội dung yêu cầu của nguyên tắc bầu cử tự do bầu cử, ứng cử của công dân, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Ngay trong những ngày đầu, việc quy tập những người hiền tài vào cơ quan đại diện cho dân đã được lưu tâm. Người ứng cử chỉ cần gửi đơn ứng cử cho Ủy ban nhân dân nơi mình trú ngụ.
Theo Phó giáo sư - Tiến sỹ Bùi Xuân Đức, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Mặt trận, Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam thì những quy định tiến bộ trong các bản sắc lệnh về bầu cử là bài học giá trị cho công tác bầu cử hiện nay: “Nhiều bài học có giá trị như vận động, tuyên truyền bầu cử, thủ tục thuận lợi tối đa cho những người tự ứng cử…rồi cả vấn đề vận động tranh cử. Tuy là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên nhưng cách thức tiến hành dân chủ thực sự là bài học chúng ta còn cần phải phát huy”.
Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc dân đại hội, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực sự đã phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, lôi cuốn nhân dân tham gia công việc nhà nước. Thành công của cuộc tổng tuyển cử là thành công của việc biết huy động tinh thần đoàn kết, làm chủ của người dân, biết coi trọng quyết định của dân. Điều đó một phần có được từ những nội dung được chuẩn bị chu đáo trong các bản sắc lệnh về bầu cử.