APEC 2017: Thêm giá trị gia tăng cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam

(VOV5) - APEC 2017 là dịp để doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, gia tăng năng lực, tạo dựng quan hệ hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Tạo điều kiện hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, là một trong 4 nội dung ưu tiên của Việt Nam trong năm nay tại diễn đàn APEC. Với số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số lượng lớn, đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, APEC 2017 là dịp để doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, gia tăng năng lực, tạo dựng quan hệ hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Nghe âm thanh bài viết tại đây

Khối doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, là khối doanh nghiệp rất quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà còn trong toàn khu vực APEC. Khối này chiếm tới 79% tổng số doanh nghiệp trong khu vực APEC và đóng góp khoảng 65% về việc làm, 30-40% giá trị xuất khẩu trong khu vực APEC. Mặc dù có vai trò rất quan trọng nhưng thời gian vừa qua, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn do nền tài chính mỏng, nguồn nhân lực về cơ bản còn bất cập, nhất là công nghệ còn yếu. Đại diện một doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng giám đốc Tổng Công ty cơ khí Quang Trung, chia sẻ: Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là ở thị trường và thứ hai là vấn đề công nghệ. Mặc dù chúng tôi cũng đã đầu tư rất nhiều công nghệ nhưng so với các nước trong khu vực còn rất khiêm tốn

APEC 2017: Thêm giá trị gia tăng cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam - ảnh 1 Họp báo về Năm APEC 2017. Ảnh: Song Đào

Trên thực tế, trong 5 năm qua, Việt Nam đã dành sự quan tâm đầu tư thỏa đáng cho khu vực doanh nghiệp này. Tuy nhiên, độ mở cửa của nền kinh tế Việt Nam càng cao thì cạnh tranh càng lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các thách thức như đô thị hóa, già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, biến đổi khí hậu. Tất cả những cái đó đã và đang tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Vì vậy, cần có nhiều quan tâm và chính sách hơn nữa đối với khu vực doanh nghiệp này là một trong bốn ưu tiên được chủ nhà Việt Nam đưa ra trong Năm APEC với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số” được các nền kinh tế thành viên đồng thuận. Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ doanh nghiệp lớn mới có thể kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu mà doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng có thể kết nối. Việc gặp gỡ, tham gia, trao đổi bởi những người đứng đầu các nền kinh tế APEC và các tỷ phú hàng đầu trên thế giới sẽ là dịp chúng ta nắm bắt xu hướng kinh tế toàn cầu, nắm được xu thế quản trị doanh nghiệp trên toàn cầu, mô hình quản trị của doanh nghiệp, là cơ hội để chúng ta kết nối với doanh nghiệp hàng đầu

Năm APEC 2017 cũng diễn ra đúng thời điểm Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục hướng về doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Chủ tịch phòng thương mại công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc khẳng định: Hội nghị APEC được tổ chức tại Việt Nam trở thành một diễn đàn sáng tạo. Và các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp sẽ trở thành một chuỗi các hoạt động sáng tạo hàng đầu trong lịch sử APEC và đặc biệt là nó mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam thông qua hoạt động của doanh nghiệp. Nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp hưởng lợi gì từ APEC phải thể hiện cụ thể bằng phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tăng trưởng xuất khẩu.

APEC 2017: Thêm giá trị gia tăng cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam - ảnh 2  (Ảnh minh họa: Quốc Việt/TTXVN)

Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực tận dụng các chương trình hợp tác trong khuôn khổ APEC, từng bước điều chỉnh cơ chế, chính sách, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, tháo gỡ dần các rào cản về thương mại và đầu tư cho phù hợp với luật chơi chung. Qua đó, Việt Nam đã và đang tận dụng hợp tác APEC cũng như các quan hệ song phương với các thành viên của diễn đàn nhằm mở rộng cơ hội thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp dồi dào và ổn định, cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường chuyển giao công nghệ hiện đại, góp phần tích cực thúc đẩy năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nội địa. Với điểm mới của APEC 2017 là ưu tiên tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí doanh nghiệp siêu nhỏ được tạo điều kiện tối đa cơ hội tiếp cận, kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu, cơ hội tiếp cận thị trường khu vực rộng lớn với 2,8 tỷ người của các doanh nghiệp Việt đang rộng mở.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác