(VOV5) - Dưới đây là 10 sự kiện, vấn đề trong nước nổi bật 2021 do VOV bình chọn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta đã thành công rất tốt đẹp!”. Đại hội đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong 5 năm tới, đó là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đề ra phương hướng đến năm 2030, kỷ niệm 100 thành lập Đảng, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đại hội khẳng định: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Ngày 23/5/2021, gần 70 triệu cử tri đã tham gia bỏ phiếu (đạt tỷ lệ 99,6% cử tri đi bầu) bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nhiều hơn về số lượng và cao hơn về tỷ lệ so với kỳ bầu cử trước.
Cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, bình đẳng, bảo đảm an toàn, tiết kiệm và thực sự là Ngày hội lớn của toàn dân. Cuộc bầu cử đã để lại nhiều điểm sáng, nhiều dấu ấn “lần đầu tiên” như: lần đầu tiên tổ chức bầu cử thành công, an toàn trong điều kiện đại dịch COVID-19 tái bùng phát; lần đầu tiên trong lịch sử 76 năm của Quốc hội có hai đại diện của các dân tộc rất ít người là dân tộc Lự và dân tộc Brâu tham gia Quốc hội.
Đợt dịch COVID-19 thứ 4, chủ yếu là biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, bùng phát với tốc độ lây lan nhanh đã gây hậu quả nặng nề, cả về tính mạng của người dân và kinh tế xã hội cho các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Gần 30.000 người tử vong, 346.000 tỷ đồng thiệt hại về kinh tế là những hậu quả tàn khốc mà đại dịch COVID-19 gây ra cho đất nước ra. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp kiên quyết, tổng lực, đến nay, dịch bệnh COVID-19 tuy vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng đã được kiểm soát.
Chính phủ quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19. Một chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động. Cùng với đó là chiến lược “ngoại giao vaccine” được thực hiện nhanh chóng, Việt Nam đã tiếp nhận gần 170 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Kết thúc năm 2021, Việt Nam cơ bản hoàn thành tiêm 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành tiêm mũi 1 cho người từ 12-18 tuổi.
Kiên định mục tiêu “đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết”, công tác phòng, chống dịch đã có những quyết định chuyển hướng kịp thời để ứng phó với dịch COVID-19, từ phương châm “zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội theo nghị quyết 86 và nghị quyết 128 của Chính phủ. Nhiều chính sách an sinh xã hội đã được triển khai, giúp người lao động, người yếu thế, người dân vùng dịch bệnh vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Mặc dù đại dịch COVID-19 gây hậu quả nặng nề nhưng với sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, sự đồng lòng quyết tâm của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, dự báo GDP của nước ta năm 2021 vẫn tăng trưởng dương; thu ngân sách Nhà nước năm 2021 vẫn đảm bảo tiến độ dự toán và tăng so với cùng kỳ năm 2020, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục hơn 600 tỷ USD. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tận dụng khá tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là các hiệp định thế hệ mới, vừa giúp đa dạng hoá thị trường, vừa mở rộng xuất khẩu nhiều loại hàng hoá vốn có lợi thế sang các thị trường có tiềm năng, cho giá trị gia tăng cao hơn. Năm 2021 cũng đánh dấu sự phát triển vượt bậc của thương mại điện tử và kinh tế số.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, trong năm 2021, Việt Nam đã sử dụng và khá đồng bộ các chính sách tài khóa và tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác. Quốc hội cũng ban hành nhiều Nghị quyết về tài chính ngân sách, đầu tư công, tái cơ cấu nền kinh tế. Chính phủ xây dựng chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội theo phương châm thích ứng an toàn và linh hoạt; xây dựng chiến lược phòng chống dịch COVID-19.
Năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 vẫn có những diễn biến phức tạp trên toàn cầu, song các hoạt động đối ngoại đa phương và song phương của Việt Nam vẫn được tiến hành liên tục. Tiêu biểu là sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với lãnh đạo các nước, tiếp nhiều đoàn khách quốc tế; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Liên bang Nga, Cuba, Campuchia; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Nhật Bản, tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38,39 và các hội nghị cấp cao liên quan; tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và tiếp xúc song phương với nguyên thủ các quốc gia, thăm làm việc tại Vương quốc Anh, thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Năm 2021, hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là hội nghị toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị.
Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia vào công việc chung của các tổ chức quốc tế lớn; đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng, tìm giải pháp, đáp ứng mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, được các nước đánh giá cao, thể hiện tầm vóc và vị thế quốc tế ngày càng cao của nước ta.
Sau 75 năm, kế thừa những tinh hoa đã đúc rút được từ hai Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, 1948, Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 được kỳ vọng nối tiếp mạch nguồn “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, đặt văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội. Hội nghị Văn hóa toàn quốc là nền tảng đưa nước ta mở ra một thời kỳ phát triển mới, với một ý chí độc lập tự cường của nhân dân ta, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn, công tác văn hóa sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII ban hành Kết luận số 21-KL/TW trong đó gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị; bổ sung thêm những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bộ Chính trị thống nhất bổ sung thêm nội dung “tiêu cực”, kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trở thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành 3 văn bản quan trọng liên quan đến công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng với nhiều điểm mới nổi bật. Đó là: Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Quy định 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều Đảng viên không được làm; Quy định 41 Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19, song các vụ án kinh tế, tham nhũng đều được các cấp tòa án giải quyết trong hạn luật định; xử phạt nghiêm khắc đối với những người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước. Năm 2021, ngành Tư pháp khởi tố mới nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp như: Các vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế; vụ án xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng; các vụ án vi phạm quy định quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước xảy ra tại Bình Dương, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh…
Lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu xét nghiệm tại các địa phương trong cả nước, Công ty Việt Á đã dấu hiệu cấu kết với các tổ chức, cá nhân liên quan, vi phạm nghiêm trọng quy định sản xuất, đấu thầu bộ xét nghiệm COVID-19 nhằm trục lợi. Điều tra ban đầu xác định, Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á đã cung ứng những bộ xét nghiệm cho 62 tỉnh, thành phố, doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiếp tục điều tra, làm rõ, tuy nhiên, vụ việc cũng đặt ra nhiều dấu hỏi về trách nhiệm của các cấp, các ngành chức năng tromg việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19.
Sau 10 năm, 4 lần lỡ hẹn, ngày 6/11/2021, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông - dự án đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên của Hà Nội và cả nước - chính thức được đưa vào vận hành, khai thác.
Từ mức đầu tư ban đầu hơn 8.770 tỷ đồng, dự án bị “đội vốn” lên hơn 18.002 tỷ đồng. Theo tiến độ dự án ban đầu được xác định đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6/2015, sau rất nhiều lần lùi thời hạn, đến đầu tháng 11/2021, đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông mới được đưa vào vận hành nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm của Chính phủ.
Chậm trễ, đội vốn trong việc triển khai dự án này mang đến nhiều bài học đắt giá về quản lý, triển khai thực hiện các dự án hạ tầng vay vốn ODA.
Năm 2021, đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên tiến đến vòng loại cuối World Cup khu vực châu Á. Đây không chỉ là sự ghi nhận về mặt thành tích mà còn đánh dấu sự vượt ngưỡng về năng lực và tâm lý của một nền bóng đá. Việc được trui rèn với những đội bóng hàng đầu châu lục giúp các cầu thủ Việt Nam có thêm kinh nghiệm, bản lĩnh hơn, đồng thời tạo tiền đề để các đội tuyển Việt Nam tự tin hơn khi bước vào những giải đấu lớn về sau.