Trước hết, có thể khẳng định rằng trong 3 tháng vừa qua, vị Tổng thống của Đảng Xã hội Francois Hollande đã không “ngủ quên” trên chiến thắng và không được tận hưởng nhiều thời gian mà giới phân tích thường gọi là “trăng mật” sau bầu cử - ám chỉ 100 ngày đầu tiên. Cụ thể, ông Hollande cùng chính phủ mới đã triển khai ngay lập tức một loạt các chính sách mà ông đã hứa khi tranh cử.
Ngay trong tháng 5, chỉ 2 tuần sau khi được bầu, vị Tổng thống mới đã cho thực hiện việc giảm 30% lương của các Bộ trưởng trong chính phủ; ký một văn bản về quy chế hoạt động, nghĩa vụ của chính phủ; thông báo rút lính Pháp khỏi Afghanistan; thông báo sẽ tuyển thêm 1000 giáo viên vào các trường tiểu học trong năm học mới; xóa bỏ quy chế khắc nghiệt Guéant đối với sinh viên nước ngoài.
Sang đến tháng 6, tháng 7, sau khi phe tả giành thắng lợi trong bầu cử lập pháp, chính phủ của Tổng thống Hollande có đà tiếp tục triển khai thêm nhiều chính sách mới rất đáng chú ý như: Tăng lương tối thiểu; khôi phục tuổi về hưu là 60 tuổi trong một số ngành nghề; áp mức trần đối với lương của các chủ doanh nghiệp công ở mức 450.000 euro/năm; tăng trợ cấp cho các gia đình cho trẻ em đi học; và thương lượng một thỏa thuận chung châu Âu ưu tiên cho tăng trưởng và việc làm…
Và ngày 1/8 vừa qua, chính phủ của ông Hollande đã ra một quyết định quan trọng mang ý nghĩa biểu tượng rất cao và được dân Pháp chờ đợi là giảm 30% lương của Tổng thống và Thủ tướng.
|
Con đường phía trước còn dài và gian nan đối với ông Hollande
|
Với việc bỏ phiếu cho Đảng Xã hội, cử tri Pháp kỳ vọng lịch sử lặp lại, thời nước Pháp đạt được nhiều thành tựu trong hai nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống Francois Mitterand.
Thêm vào đó, khi nỗi thất vọng và sự giận dữ của người dân đối với chính phủ của cánh hữu lên đến đỉnh điểm dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy, thì kỳ vọng đối với vị tổng thống mới đương nhiên càng lớn hơn. Và điều đó tạo áp lực rất lớn đối với chính phủ của Tổng thống Hollande.
Ngoài ra, nói là 100 ngày, nhưng sau bầu cử tổng thống là bầu cử lập pháp nên chính phủ mới chưa thể đi vào hoạt động ngay được. Rồi ngay sau đó, tháng 7 và tháng 8 là hai tháng nghỉ hè ở châu Âu, mọi hoạt động bị đình trệ, khiến khả năng hành động của chính phủ mới ở Pháp phần nào bị hạn chế.
Và nhân cơ hội đó, cánh hữu chỉ trích tổng thống Hollande và chính phủ của ông là chậm trễ trong hành động.
Viện thăm dò dư luận Ifop và tờ Le Figaro – một tờ báo thiên về cánh hữu – vừa đưa ra kết quả một cuộc thăm dò cho thấy có hơn 50% người được hỏi tỏ ra không hài lòng với chính phủ mới. Song cuộc thăm dò này đang bị chỉ trích là không thực sự khách quan.
Cuộc chiến giữa các cuộc thăm dò dư luận đã diễn ra rất gay gắt trong đợt bầu cử tổng thống hồi tháng 4, tháng 5 vừa rồi, bởi người ta cho rằng nhiều cuộc thăm dò dư luận ở Pháp là có chủ ý chính trị riêng.
Nhưng phải nói rằng ông Hollande và chính phủ mới đã nỗ lực để làm được nhiều điều trong thời gian không dài vừa qua. Đặc biệt, ông Hollande đã thực sự thể hiện hình ảnh một vị Tổng thống “bình thường”, bộc lộ một phong cách khiêm tốn, giản dị trong lãnh đạo cũng như trong cuộc sống. Đây là hình ảnh mà người dân Pháp mong đợi trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay.
Chính lối sống hào nhoáng bị chỉ trích của cựu Tổng thống Sakozy và mức lương cao dành cho tổng thống, các thành viên chính phủ, các chủ doanh nghiệp… đã “làm hại” phe cánh hữu và làm họ thất bại trong bầu cử.
Với một loạt các chính sách cụ thể như vừa nêu, Tổng thống mới Francois Hollande đã cho thấy ông đang giữ lời hứa với cử tri, dù không phải lúc nào cũng dễ dàng. Điển hình là bất chấp sự phản đối của Ủy ban Hiến pháp của Pháp, ông Hollande vẫn tuyên bố cho triển khai chính sách giảm 30% lương của tổng thống và các thành viên trong chính phủ.
Dĩ nhiên, bên cạnh những chính sách đã được triển khai, thì có nhiều điều người dân chờ đợi nhưng chính phủ mới chưa làm nhanh được. Gây bức xúc nhất trong dư luận Pháp thời gian vừa rồi là việc sa thải hàng loạt nhân công tại nhiều tập đoàn lớn của Pháp, điển hình là Peugeot Citroen tuyên bố cắt giảm đến 8.000 lao động; và chính phủ của ông Hollande bị chỉ trích là chậm trễ và thụ động trong việc can thiệp vào những kế hoạch sa thải đó.
Rồi nhiều lời hứa như ngăn chặn việc tăng giá xăng, triển khai đánh thuế vào những nhân vật có mức lương cao ngất trời … thì ông Hollande chưa làm được, hay nói đúng hơn là sẽ phải làm trong thời gian tới. Tình trạng bất ổn an ninh gia tăng tại một số nơi của Pháp cũng khiến chính phủ của Đảng Xã hội hứng chịu búa rìu của dư luận.
Ai cũng hiểu rằng khi kỳ vọng rất lớn mà hoàn cảnh khách quan quá khó khăn thì việc tạo nên những thay đổi đột phá ngay lập tức là một nhiệm vụ bất khả thi. Và khi kỳ vọng không được đáp ứng nhanh chóng thì thất vọng là khó tránh khỏi. Thái độ không hài lòng của người dân Pháp thể hiện trong cuộc thăm dò chủ yếu là bởi họ chán chường trước một thực tế ảm đạm chung của nền kinh tế Pháp.
Thực tế các chính sách mà ông Hollande làm được đã nhận được sự ủng hộ rất lớn trong dân chúng, ví dụ như việc giảm lương của chính ông và các thành viên trong chính phủ, việc rút binh lính Pháp khỏi Afghanistan, hay việc khôi phục lại tuổi về hưu 60 tuổi đều được từ 70 đến hơn 80% người dân tán đồng.
Người dân Pháp cũng hiểu rằng vị tổng thống mới của họ “đang giữ lời” và cần kiên nhẫn trao lòng tin cho chính phủ mới; nhưng tình hình ảm đạm chung của nền kinh tế khiến không ít người sốt ruột và chán chường. Hơn thế nữa, với chủ trương làm một vị tổng thống “bình thường”, đứng về phía người dân hơn là giới chủ, các chính sách giảm lương, áp mức lương trần đối với các chủ doanh nghiệp, hay chủ trương đánh thuế cao chót vót đối với những nhân vật có lương cao cũng khiến chính phủ Hollande ngày càng có thêm không ít “kẻ thù”.
Con đường mới chỉ bắt đầu và phía trước còn dài và gian nan đối với ông Hollande. Đi vào các chính sách cụ thể, danh sách những việc mà ông và chính phủ của ông cần thực hiện là rất nhiều. Đầu tiên là trong vòng 3 tháng nữa, ông phải ngăn chặn việc tăng giá xăng dầu; thực hiện đánh thuế 75% như ông đã cam kết nhằm vào những đối tượng có thu nhập trên 1 triệu euro một năm; thúc đẩy việc làm và cơ hội tiếp cận nhà ở đối với thanh niên…
Cải thiện an ninh cũng là một trong những ưu tiên lớn hàng đầu mà chính phủ của ông Hollande phải chú ý. Nhiều vụ bắn giết, điển hình là vụ bạo loạn tại Amiens cách đây vài ngày, khiến phe cánh hữu chỉ trích chính sách an ninh yếu kém của chính phủ mới.
Song trên hết, thách thức lớn nhất đối với ông Hollande là bên cạnh hình ảnh một vị tổng thống “bình thường” hay “thường dân”, thì ông còn phải thể hiện khả năng “lãnh đạo” mạnh mẽ hơn. Về điều này, có lẽ người dân Pháp hơi cầu toàn, nhưng do ảnh hưởng cả về lịch sử và văn hóa, nhiều người Pháp muốn một vị “tổng thống” mạnh mẽ và quyết đoán.
Bên cạnh hình ảnh của chính mình, tổng thống Hollande còn phải nâng cao hình ảnh của nước Pháp, để khôi phục một nước Pháp mạnh trong Liên minh châu Âu, cạnh tranh với mô hình nước Đức đang được ca tụng tại châu Âu do trụ vững trong khủng hoảng kinh tế- tài chính./.