(VOV5) - Việc giá hàng hoá giảm là một nguyên nhân khiến giá trị thương mại hàng hoá toàn cầu giảm, trong khi giá trị thương mại dịch vụ lại được dự báo tăng 500 tỷ USD trong năm nay.
Áp lực lạm phát và lãi suất cao, sự phục hồi chậm của nhiều nền kinh tế lớn, cộng thêm bất ổn địa chính trị và nợ công tăng cao của nhiều quốc gia khiến thương mại toàn cầu năm nay suy giảm. Theo các chuyên gia, những khó khăn này chưa chấm dứt trong ngắn hạn nhưng thương mại toàn cầu năm tới vẫn có một số yếu tố để hy vọng.
Trong bản báo cáo mang tên “Cập nhật Thương mại toàn cầu”, công bố hôm 11/12, Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ước tính kim ngạch thương mại toàn cầu năm nay đạt khoảng 30.700 tỷ USD, giảm so với mức 32.200 tỷ USD của năm ngoái. Riêng thương mại hàng hóa giảm gần 2.000 tỷ USD, tương đương mức giảm 8%.
Nhiều yếu tố bất ổn
UNCTAD nhận định thương mại toàn cầu sụt giảm một phần là do xuất khẩu kém hiệu quả của các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á, một phần khác chịu ảnh hưởng từ nhu cầu sụt giảm ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, trong năm nay, giá của nhiều hàng hoá đã giảm xuống sau khi tăng cao do ảnh hưởng của lạm phát trong năm ngoái. Việc giá hàng hoá giảm là một nguyên nhân khiến giá trị thương mại hàng hoá toàn cầu giảm, trong khi giá trị thương mại dịch vụ lại được dự báo tăng 500 tỷ USD trong năm nay so với năm ngoái, tương đương mức tăng khoảng 7%.
Tàu chở hàng hóa tại kho container ở Uiwang, Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Tuy nhiên, theo chuyên gia Kinh tế trưởng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ralph Ossa, sự suy giảm của thương mại toàn cầu trong năm nay chủ yếu là do các tác động của nửa đầu năm, khi hàng loạt các yếu tố tiêu cực cùng lúc xuất hiện, bao gồm: lạm phát dai dẳng và lãi suất cao ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU); sự phục hồi kém ấn tượng hơn dự báo của kinh tế Trung Quốc sau Covid-19 và các dư chấn kéo dài của xung đột tại Ukraine. Trong nửa sau năm nay, các yếu tố trên đã được cải thiện. Đến cuối năm, tỷ lệ lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu – Eurozone hay Anh đã hạ xuống các mức thấp nhất trong nhiều tháng qua, với tỷ lệ lần lượt là 2,4% ở Eurozone và 3,9% tại Anh. Riêng Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, có mức tăng trưởng tổng sản phầm quốc nội (GDP) ấn tượng, lên tới 5,2% trong quý 3, và tỷ lệ lạm phát chỉ ở mức 3,1% trong tháng 11. Kinh tế Trung Quốc cũng khởi sắc rõ rệt trong những tháng cuối năm. Vì thế, thương mại toàn cầu đang có dấu hiệu hồi phục. Trong báo cáo, UNCTAD ghi nhận điều này khi cho biết dù tổng giá trị giao dịch giảm, khối lượng hàng hoá trong thương mại toàn cầu năm nay vẫn tăng nhẹ (0,8%), phản ánh sự vững vàng của nhu cầu đối với các sản phẩm nhập khẩu trên toàn cầu.
Điều đáng lo ngại hơn, như cảnh báo của UNCTAD, đó là các quốc gia có mối quan hệ thân thiện đang có khuynh hướng giao dịch thương mại với nhau nhiều hơn, trong khi các quốc gia kém thân thiện có khuynh hướng giảm thương mại song phương. Chuyên gia Kinh tế trưởng WTO, Ralph Ossa nhận định:“Trong khi thương mại toàn cầu vẫn phát triển mạnh bằng nhiều cách, căng thẳng thương mại cũng gia tăng và đã xuất hiện một số dấu hiệu của việc phân mảnh. Tuy nhiên, các số liệu cũng không ủng hộ các ý kiến về phi toàn cầu hóa. Tuy có sự phân mảnh nhưng chưa có bằng chứng về một xu hướng phi toàn cầu hóa rộng lớn”.
Triển vọng bấp bênh trong ngắn hạn
Về triển vọng năm tới, UNCTAD cho rằng các rủi ro liên quan đến căng thẳng địa chính trị toàn cầu, như: xung đột tại Ukraine, xung đột Hamas-Israel tại dải Gaza, sự gia tăng các chính sách bảo hộ, cũng như tỷ lệ nợ công tăng cao của nhiều quốc gia sẽ tiếp tục là các yếu tố tác động đến dòng chảy thương mại toàn cầu, khiến bức tranh thương mại toàn cầu nhìn chung tương đối bấp bênh trong ngắn và trung hạn. Chuyên gia Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Pierre-Olivier Gourinchas, chia sẻ quan điểm này:“Chúng ta đang chứng kiến việc gia tăng các hạn chế thương mại mà các quốc gia áp đặt với nhau. Việc này đã bắt đầu từ hơn 1 năm rưỡi qua nhưng hiện đang tăng nhanh và có thể sẽ có các tác động tiêu cực đến dòng chảy thương mại. Ở đây có thể nói đến các biện pháp hạn chế xuất khẩu, các rào cản thuế quan hay một số biện pháp khác”.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc WTO. Ảnh: AFP |
Có chung nhận định với UNCTAD về rủi ro trong năm tới nhưng WTO đánh giá thương mại toàn cầu vẫn sẽ tăng trưởng, có thể đạt mức tăng 3,3% trong năm sau về khối lượng đối với thương mại hàng hóa. Lý giải cho nhận định này, chuyên gia Kinh tế trưởng WTO, Ralph Ossa, cho rằng việc gia tăng thương mại hàng hóa liên quan đến chu kỳ kinh doanh, như máy móc và hàng tiêu dùng lâu bền, những lĩnh vực có xu hướng phục hồi khi tăng trưởng kinh tế ổn định, sẽ giúp thương mại toàn cầu tăng trưởng. Theo bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc WTO, vấn đề cốt lõi của thương mại toàn cầu hiện nay là phải “tái định hình” toàn cầu hóa theo hướng bao trùm và bền vững hơn, để các quốc gia đang phát triển được hưởng lợi thực sự từ thương mại toàn cầu, đồng thời đáp ứng được các cam kết về chống biến đổi khí hậu. Bà cho rằng khi đó thương mại sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu:“Chúng tôi muốn một toàn cầu hóa có cả những ai bị bỏ lại phía sau, một toàn cầu hóa bao trùm hơn. Sẽ có những sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng nhưng chúng ta cần xây dựng sự bền vững của thương mại toàn cầu bằng cách kết nối các quốc gia trước đây bị gạt sang bên lề vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Thế giới có quá nhiều vấn đề phải giải quyết và thương mại cần phải là một phần của giải pháp”.
Dựa trên các điểm sáng trong năm nay, cũng có nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng dù rủi ro phân mảnh xuất hiện nhưng xu hướng chiếm ưu thế trong thương mại thế giới hiện nay vẫn là thúc đẩy hợp tác, tăng cường ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA), ngay cả giữa các nền kinh tế vốn trước đây ít có liên kết. Một số ví dụ điển hình là việc Mỹ và các nước châu Phi trong năm nay đã hoàn tất 547 thỏa thuận thương mại và đầu tư trị giá 14,2 tỷ USD, tăng 67% so với năm ngoái hay khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) ký FTA với Singapore và đang thúc đẩy đàm phán FTA với Hàn Quốc, Indonesia.