Ngoại giao kinh tế tích cực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp

(VOV5) - Tọa đàm còn có phiên kết nối trực tiếp giữa các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với đại diện hơn 300 Hiệp hội, doanh nghiệp.

Trong năm nay, ngoại giao kinh tế đã tích cực đồng hành, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp mở rộng quan hệ đối ngoại, thu hút các nguồn lực trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Đây là nhận định nổi bật tại Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các Hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam, diễn ra chiều qua (15/12) tại Hà Nội.

Ngoại giao kinh tế tích cực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp  - ảnh 1Các diễn giả thảo luận với chủ đề "Cơ hội và thách thức của các danh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập" - Ảnh: TTXVN

Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các Hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam diễn ra với 3 phiên: Cơ hội và thách thức mới đối với doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập; Thúc đẩy hợp tác đầu tư công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi năng lượng; Phát triển ngành Halal (thực phẩm Hồi giáo). Tại Tọa đàm, các đại biểu đánh giá tình hình kinh tế thế giới trải qua giai đoạn khó khăn, bất định nhất trong nhiều thập kỷ, với lạm phát và lãi suất cao kỷ lục, cạnh tranh chiến lược nước lớn thúc đẩy xu thế “chính trị hoá, an ninh hoá” hợp tác kinh tế. Trong bối cảnh đó, công tác ngoại giao kinh tế đã có những chuyển biến sâu sắc, đột phá, giúp kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các thị trường nước ngoài.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chia sẻ: “Việc tập trung vào ngoại giao kinh tế mang lại động lực rất lớn cho các doanh nghiệp. Nhờ đó, ngành thủy sản đã củng cố được vị trí tại 4 thị trường lớn. Nhờ định hướng tiếp cận các thị trường quan trọng, có tiêu chuẩn cao mà chúng ta có thể hoàn thiện hệ thống sản xuất, chế biến một cách bền vững, kể cả phát triển xanh”.

Từ diễn biến tình hình thế giới năm nay và dự báo cho năm sau, các trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã chia sẻ những cơ hội và thách thức tại những khu vực khác nhau, đồng thời đưa ra những khuyến nghị để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường một cách hiệu quả, đặc biệt là các thị trường lớn, có vai trò quan trọng trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, như: Trung Quốc, Liên  minh châu Âu (EU), Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Bỉ và EU, cho rằng với thị trường châu Âu, điều mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần lúc này là sự quyết tâm: “EU là một thị trường bền vững và đủ lớn, các doanh nghiệp Việt Nam phải có quyết tâm hơn nữa để làm ăn lâu dài với thị trường này. Thế giới đang biến động rất nhanh với những xu thế mới, ví dụ như chuyển đổi xanh. Doanh nghiệp phải thích ứng nếu không sẽ bị loại”.

Bên cạnh việc trao đổi thông tin về cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam, các giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư, tận dụng các xu hướng mới, buổi Tọa đàm còn có phiên kết nối trực tiếp giữa các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với đại diện hơn 300 Hiệp hội, doanh nghiệp để thảo luận về những cơ hội hợp tác kinh doanh tại từng thị trường cụ thể. Sau Tọa đàm, Bộ Ngoại giao sẽ tổ chức Hội nghị ngoại vụ địa phương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế, phục vụ phát triển địa phương.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác