(VOV5) - Năm 2024, bên cạnh việc giải quyết những thách thức kéo dài của năm cũ, nhân loại sẽ phải đưa ra những lựa chọn quyết định rõ ràng hơn về việc muốn xây dựng một thế giới tương lai ra sao.
Trong các Thông điệp mừng năm mới, các nhà lãnh đạo thế giới đều nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc các quốc gia và cộng đồng cần khôi phục niềm tin và hy vọng vào nhau, để chia sẻ không gian sống trong ổn định và phát triển, đồng thời chung tay ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Ảnh minh họa: Reuters |
Từ những quốc đảo Thái Bình Dương, nơi đầu tiên đón năm mới, đến các quốc gia ở Tây bán cầu, năm mới đã đến với toàn nhân loại. Trong bối cảnh thế giới vừa trải qua một năm với các biến động to lớn về địa chính trị, kinh tế và môi trường, ước vọng về hòa bình và ổn định để phát triển cấp thiết hơn bao giờ hết với các quốc gia.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres. Ảnh: Andrea Renault/AFP |
Hòa bình dựa trên niềm tin và hy vọng
Trong thông điệp phát đi trước thềm năm mới, hôm 29/12, Tổng thư ký Liên hiệp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres nhắc lại những khổ đau mà nhân loại phải chịu đựng trong năm qua bởi chiến tranh, đói nghèo và những tác động ngày càng cực đoan của biến đổi khí hậu. Theo TTK LHQ, nhân loại đã tiến đến thời điểm mà loài người hứng chịu khổ đau còn Trái đất lâm nguy. Vì thế, theo người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, các quốc gia, các cộng đồng cần khép lại năm cũ bằng cách ngưng đổ lỗi cho nhau, để có thể ngay lập tức bắt tay vào việc xây dựng lại niềm tin và phục hồi hy vọng: “2024 phải là năm để xây dựng lại niềm tin và phục hồi hy vọng. Chúng ta phải vượt qua chia rẽ để tìm ra các giải pháp chung, cho hành động khí hậu, cho cơ hội kinh tế và cho một hệ thống tài chính toàn cầu công bằng hơn phục vụ cho tất cả. Chúng ta phải cùng nhau đứng lên chống lại sự phân biệt và hận thù đang đầu độc mối quan hệ giữa các quốc gia và giữa các cộng đồng”.
Cũng gửi đi các thông điệp về niềm tin và hy vọng, trong bài diễn văn mừng năm mới, Tổng thống Nga, Vladimir Putin, lại nhấn mạnh đến tình yêu và các giá trị gia đình. Theo người đứng đầu nước Nga, trong thời đại đầy những biến động, các giá trị gia đình truyền thống luôn là nền tảng vững chắc của những mối quan hệ xã hội rộng lớn hơn, và là thành tố để tạo nên một thế giới hòa ái hơn: “Ở bất kỳ thời đại nào, kỷ niệm năm mới đồng nghĩa với việc thắp sáng hy vọng, với những khát vọng thành thực làm cho những người mà mình yêu thương hạnh phúc. Tại nước Nga, năm mới 2024 được lựa chọn là năm của gia đình. Một gia đình lớn thực sự là nơi mà ở đó trẻ em được lớn lên, nơi sự quan tâm, chăm sóc cha mẹ, nơi tình yêu và sự tôn trọng ngự trị. Chính từ sợi dây nối các thế hệ và tình yêu với gia đình này mà sự tận hiến cho tổ quốc được sinh ra và nuôi dưỡng”.
Khẳng định niềm tin là trụ cột để xây dựng các mối quan hệ, ngay trong ngày đầu năm mới (1/1), nguyên thủ 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Tổng thổng Mỹ, Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã trao đổi điện mừng, nhấn mạnh dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung trong năm nay (1979-2024) là cơ hội để hai nước củng cố niềm tin, qua đó kiểm soát có trách nhiệm sự cạnh tranh trong quan hệ hai nước, vì sự ổn định, phát triển của hai nước cũng như khu vực và thế giới.
Năm của những lựa chọn quyết định
Quyết tâm khôi phục niềm tin và hy vọng nhưng thế giới bước vào năm mới với những thách thức lớn. Các cuộc xung đột kéo dài và triển vọng kinh tế toàn cầu không khả quan làm gia tăng sức ép với nhiều quốc gia, khu vực trong bối cảnh năm nay sẽ diễn ra nhiều sự kiện chính trị lớn.
Tại châu Âu, ngay trong vài tuần tới, các nguyên thủ Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải nhóm họp để tìm giải pháp phá thế bế tắc trong nỗ lực duy trì sự trợ giúp kinh tế-quân sự lâu dài cho Ukraine. Sức ép hành động nhanh chóng đang đè nặng lên vai các lãnh đạo EU bởi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, diễn ra trong tháng 6, có thể tạo nên các tình huống chính trị khó lường. Vì thế, theo Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, năm nay là năm của những lựa chọn mang tính quyết định với châu Âu: “2024 là năm của những lựa chọn quyết định. Chúng ta sẽ phải lựa chọn xây dựng một châu Âu lớn mạnh hơn, có chủ quyền mạnh mẽ hơn, một châu Âu hành động vì hòa bình ở Trung Đông và hòa bình tại chính châu Âu”.
Đối với Giáo Hoàng Francis, năm nay cũng là năm mà nhân loại phải lựa chọn dứt khoát nói “Không” với chiến tranh. Trong bài diễn văn “Urbi et Orbi” (Đến các thành phố và thế giới) phát đi hôm 26/12, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh Chúa Jesus đã đến với thế giới trong hình hài trẻ thơ, nên mỗi trẻ em trên thế giới ngày nay bị chiến tranh hủy hoại tuổi thơ cũng giống như mỗi nỗi đau mà Chúa Jesus ngày bé phải chịu đựng. Do đó, Giáo hoàng Francis kêu gọi các quốc gia, các dân tộc tìm lại niềm tin vào nhau, có đủ dũng khí để nói “Không” với chiến tranh, bắt đầu từ việc nói “Không” với chạy đua trang bị vũ khí - những công cụ hủy hoại của chiến tranh: “Nói Không với chiến tranh tức là nói Không với vũ khí. Trái tim của con người vốn yếu ớt và dễ bị kích động, nếu chúng ta có các công cụ chết chóc trong tay, sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ sử dụng nó. Vì thế, làm thế nào chúng ta có thể nói về hòa bình, khi việc sản xuất và buôn bán vũ khí vẫn gia tăng như hiện nay?”.
Trong năm nay, bên cạnh việc giải quyết những thách thức kéo dài của năm cũ, nhân loại cũng sẽ phải đưa ra những lựa chọn quyết định rõ ràng hơn về việc muốn xây dựng một thế giới tương lai ra sao. Từ 22 đến 23/9 năm nay, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của LHQ sẽ diễn ra, với mục đích xây dựng một Hiệp ước Tương lai cho toàn thể nhân loại.