(VOV5) - Đây cũng là hoạt động nằm trong các nỗ lực tổng thể của Việt Nam về bảo đảm quyền của phụ nữ.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 lần đầu tiên sẽ tổ chức Phiên họp đặc biệt của các nhà Lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong thời đại số. Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất nhằm khẳng định cam kết của các nhà lãnh đạo ASEAN trong thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong quá trình xây dựng Cộng đồng. Đây cũng là hoạt động nằm trong các nỗ lực tổng thể của Việt Nam về bảo đảm quyền của phụ nữ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Phiên họp đặc biệt này vào ngày 26/6 tới tại Hà Nội. Khách mời của Phiên họp gồm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Niu Zealand Jacinda Arden, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế Xã hội Châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana.
Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 lần đầu tiên tổ chức Phiên họp đặc biệt của các nhà Lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong thời đại số. Ảnh: Nguyễn Hồng- |
Sáng kiến lần đầu tiên trong ASEAN
Năm 2020 có ý nghĩa quan trọng trong các nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ ở phạm vi khu vực và toàn cầu. Tại ASEAN, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những đổi thay nhanh chóng đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới về bình đẳng giới trong thời đại số. Thời gian qua, các cam kết, ưu tiên của ASEAN trong lĩnh vực an sinh xã hội, phụ nữ và bình đẳng giới ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh. Mặc dù vậy, trong ASEAN hiện nay, nhiều chính sách vẫn còn tồn tại bất cập, khiến phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Tỷ lệ phụ nữ làm việc tại khu vực phi chính thức còn cao, thu nhập thấp hơn nam giới...
Trong bối cảnh đó, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền, Việt Nam đề xuất sáng kiến tổ chức phiên họp để tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực bảo đảm quyền cho phụ nữ.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết: "Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo ASEAN bàn chính thức về phụ nữ, về việc trao quyền cho phụ nữ. Riêng điều này đã mang 1 ý nghĩa quan trọng. Thông qua hoạt động này để các nhà lãnh đạo ASEAN lắng nghe các đề xuất, nêu ra các ý tưởng cụ thể. Tôi cho rằng, để tăng quyền cho phụ nữ thì trước hết phải hoàn thiện văn bản pháp lý. Bên cạnh đó cần những sự hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong ASEAN để làm sao xây dựng thành văn hóa của ASEAN khi ứng xử với phụ nữ trong cộng đồng. Đó là ý nghĩa của Hội nghị mà Việt Nam mong muốn hướng đến."
Thúc đẩy hợp tác quốc tế về bình đẳng giới
Năm 2020, thế giới sẽ kỷ niệm 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, 5 năm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Tại Việt Nam, năm 2020 cũng là năm cuối cùng của Chiến lược quốc gia đầu tiên về bình đẳng giới và Chính phủ sẽ chuẩn bị chiến lược bình đẳng giới mới trong giai đoạn 2021-2030.
Với xu thế của cuộc cách mạng 4.0, một nền kinh tế bao trùm hơn và nhân văn hơn thì vai trò của phụ nữ rất là quan trọng. Ảnh ĐCSVN |
Trong 25 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm thực hiện hóa các mục tiêu của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và các cam kết quốc tế khác về bình đẳng giới trong quá trình xây dựng và củng cố luật pháp, chính sách của quốc gia. Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể nhằm giảm thiểu quy định mang tính chất phân biệt đối xử đối với cả phụ nữ và nam giới; nỗ lực trong lĩnh vực bình đẳng giới của Việt Nam đã cải thiện rõ rệt vai trò và địa vị của phụ nữ. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1% cao hơn mức trung bình của cả khu vực lẫn toàn cầu. Theo đánh giá của quốc tế, hiện nay, tỷ lệ nữ chủ doanh nghiệp của Việt Nam đạt 31,3% trên tổng số chủ doanh nghiệp. Tỷ lệ tạo việc làm mới cho lao động nữ luôn đạt ở mức hơn 48% trong 5 năm qua.
Bà Đinh Thị Tuyết Nhung, Phó Trưởng Ban hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, khẳng định: "Trong xu thế chung của cuộc CMCN 4.0, Việt Nam đã xây dựng một đề án hỗ trợ phụ nữ. Nữ Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng không chỉ góp phần tạo ra việc làm cho lao động mà còn đóng góp vào sự bền vững về mặt kinh tế, lành mạnh các vấn đề xã hội, góp phần thực hiện các chỉ tiêu phát triển bền vững đến 2030 do Liên hiệp quốc đề ra."
Với xu thế của cuộc cách mạng 4.0, một nền kinh tế bao trùm hơn và nhân văn hơn thì vai trò của phụ nữ rất là quan trọng. Cùng với việc nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về đảm bảo và thúc đẩy quyền con người nói chung, phụ nữ nói riêng, Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong ASEAN.
Vì vậy, xây dựng cách tiếp cận toàn diện, tổng thể, sáng tạo và bền vững về phụ nữ, trên cơ sở xác định các nhu cầu chung của khu vực, các thế mạnh và đóng góp của mỗi nước, là một nhu cầu phù hợp trong bối cảnh hiện nay của ASEAN. Thông qua phiên họp mà Việt Nam sáng kiến tổ chức lần này, nhận thức và hiểu biết của người dân về vai trò, ý nghĩa, sự tham gia của phụ nữ trong thời đại số sẽ được tăng cường.