Bán đảo Triều Tiên và một năm đầy biến động

(VOV5) - Quan điểm phi hạt nhân hóa quá khác biệt giữa Triều Tiên và Mỹ sẽ tiếp tục là rào cản lớn nhất khiến hai bên chưa thể thu hẹp được bất đồng, tiến tới thỏa thuận.

Sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên trong lịch sử tại Singapore tháng 6/2018 cùng sự cải thiện mạnh mẽ quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, rất nhiều kỳ vọng đã được đặt ra cho bán đảo Triều Tiên. Tiếp đó, với những tiến triển tích cực có được trong năm 2018 trên cả bình diện quan hệ Mỹ-Triều và quan hệ liên Triều, dư luận đã rất hy vọng về một thỏa thuận hòa bình cho bán đảo Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai ở Hà Nội cuối tháng 2/2019.

Tuy nhiên, thực tế cục diện bán đảo Triều Tiên trong năm 2019 đã biến động hết sức phức tạp, nằm ngoài hầu hết các dự đoán của cả giới chính trị cũng như các nhà phân tích.

Bán đảo Triều Tiên và một năm đầy biến động - ảnh 1 Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đi dạo trong vườn khách sạn Metropole ở Hà Nội, Việt Nam sau cuộc gặp chính thức ngày 28.2- Ảnh AFP

Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 không đạt thỏa thuận, Triều Tiên thử vũ khí

Lịch họp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội ngày 28/2 đã bất ngờ bị cắt ngắn, báo hiệu một kết quả không như mong đợi. Và thực tế, trong buổi họp báo tổ chức giữa đêm cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho đổ lỗi cho Mỹ không hưởng ứng các đề xuất của Triều Tiên,khiến hội nghị thất bại, khẳng định Washington đã bỏ lỡ cơ hội tốt.

Chỉ chưa đầy hai tháng sau đó (tháng 4/2019), Triều Tiên tiến hành 2 vụ phóng thử vũ khí, mở đường cho hơn chục vụ phóng thử vũ khí liên tiếp về sau. Đáng chú ý, đây là hành động thử vũ khí trở lại đầu tiên của Triều Tiên sau nhiều tháng im ắng, làm dấy lên lo ngại về khả năng Bình Nhưỡng từ bỏ đàm phán, theo đuổi vũ trang. Không chỉ có vậy,Triều Tiên còn đình chỉ tiếp xúc và dừng triển khaicác dự án hợp tác liên Triều với Hàn Quốc, đồng thời chỉ trích gay gắtSeoul theo đuổi chính sách thù địch của Washington chống Bình Nhưỡng. Cục diện bán đảo Triều Tiên gian đoạn này được mô tả là cực kỳ căng thẳng.

Hy vọng mới

Hy vọng lại bất ngờ được thắp lên sau sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump trở thành nguyên thủ đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên tại khu vực Bàn Môn Điếm ngày 30/6. Tại sự kiện này, Tổng thống Mỹ đã mời nhà lãnh đạo Triều Tiên tới thăm Washington. Hơn nữa, cuộc gặp Bàn Môn Điếm được thu xếp một cách chóng vánh trong thời gian ngắn kỷ lục, nhân chuyến công du của Tổng thống Mỹ đến Hàn Quốc và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, thể hiện sự sốt sắng gặp gỡ và thúc đẩy đàm phán của các bên. Tiếp sau cuộc gặp, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên liên tiếp có các cuộc trao đổi thư tay, khẳng định mối quan hệ cá nhân tốt đẹp.

Bán đảo Triều Tiên và một năm đầy biến động - ảnh 2 Triều Tiên phóng tên lửa hôm 9/5. Nguồn ảnh: KCNA.

Tuy nhiên, mãi cho đến tháng 10, Mỹ và Triều Tiên mới thu xếp được cuộc họp cấp cao trở lại tại Thụy Điển. Thế nhưng, cuộc đàm phán lại một lần nữa rơi vào bế tắc. Hệ quả là Bình Nhưỡng tiếp tục thử vũ khí, đẩy cục diện căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên cao. Đỉnh điểm là các vụ thử tên lửa đạn đạo và hệ thống phóng hiện đại trong hai tháng cuối năm 2019, đến mức Tổng thống Mỹ Donald Trump phải lên tiếng cảnh báo có thể tiến hành giải pháp quân sự, trong khi quân đội Mỹ tăng cường giám sát chặt chẽ các động thái trên bán đảo.

Bế tắc vì quan điểm phi hạt nhân hóa quá khác biệt

Xuyên suốt tiến trình đàm phán được nối lại từ tháng 6/2018, Mỹ và Triều Tiên luôn thể hiện lập trường quá khác biệt nhau về tiến trình giải trừ hạt nhân, phi hạt nhân hóa. Về cơ bản, Mỹ vẫn yêu cầu Triều Tiên phải thực hiện phi hạt nhân hóa một cách thực chất, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, trước khi được giảm nhẹ và dỡ bỏ trừng phạt. Ngược lại, Triều Tiên đòi hỏi Mỹ và các bên quốc tế khác phải có bước đi tương ứng với các hành động giảm trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng, là giảm nhẹ cấm vận. Điều này phản ánh một thực tế là vấn đề lòng tin giữa hai bên vẫn chưa được thiết lập, hoặc dù đã hình thành song chưa đủ lớn.

Theo giới phân tích, quan điểm phi hạt nhân hóa quá khác biệt giữa Triều Tiên và Mỹ sẽ tiếp tục là rào cản lớn nhất khiến hai bên chưa thể thu hẹp được bất đồng, tiến tới thỏa thuận. Cho dù cả hai đều thể hiện rất rõ mong muốn và có nhu cầu tiến tới thỏa hiệp, chấm dứt đối đầu, và các bên liên quan như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng khá tích cực tham gia, hỗ trợ đàm phán. Bởi vậy, cục diện bán đảo Triều Tiên thời gian tới được dự báo sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp khó lường.

Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hàn Quốc (KIDA) ngày 16/12 nhận định Triều Tiên có thể tìm cách phát triển các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng mang theo nhiều đầu đạn vào năm tới, nếu các cuộc đàm phán phi hạt nhân mới với Mỹ đổ bể.       

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác