Bản đồ “10 đoạn” lộ rõ âm mưu độc chiếm Biển Đông

(VOV5) - Trung Quốc mới đây tiếp tục “dấn thêm một bước” trong tham vọng bành trướng Biển Đông bằng việc phát hành tấm bản đồ khổ dọc, trong đó ngang nhiên công bố đường biên giới trên biển gồm "10 đoạn", "nuốt" gần trọn diện tích Biển Đông. Tuy nhiên, hành động đơn phương tự nhận của Bắc Kinh đã bị cộng đồng quốc tế vạch trần.

Bản đồ “10 đoạn” lộ rõ âm mưu độc chiếm Biển Đông - ảnh 1
Bản đồ "10 đoạn" do nhà xuất bản Hồ Nam phát hành


Trong tấm bản đồ mới do Nhà xuất bản bản đồ Hồ Nam phát hành hôm 25/6, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, với việc tô đậm “đường 10 đoạn” lấn sát các bờ biển của Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei, “nuốt” gần trọn biển Đông, kể cả 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, đảo Palawan và Luzon và bãi cạn Scarborough của Philippines, thậm chí “ôm” luôn cả bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Không chỉ đơn phương tự nhận một số quần đảo của nước khác là đất của mình, Trung Quốc còn ngông cuồng tuyên bố việc phê chuẩn bản đồ mới là nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc, rằng tấm bản đồ sẽ cung cấp cho người dân một nhận thức toàn diện và sẽ không bao giờ phải phân vân về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Dự kiến bản đồ này còn được dùng trong trường học ở Trung Quốc.


Tuyên bố tùy tiện và phi lý


Với hành động vẽ lại bản đồ trong đó "nhận vơ" cả lãnh thổ nước khác hòng cố tình làm sai lệch nhận thức của người dân trong nước về chủ quyền ở Biển Đông, cộng đồng quốc tế đã vạch trần âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.


Hàng loạt các nước trong khu vực đã cực lực phản đối, cho rằng tấm bản đồ mới 10 đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông là “tham vọng bành trướng vô lý”, đi ngược lại với luật pháp quốc tế và vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia. Tấm bản đồ chỉ là một bản vẽ vô nghĩa vì vậy nó vô giá trị. Mỹ cũng thẳng thừng bác bỏ bản đồ “10 đoạn” của Trung Quốc, chỉ trích Bắc Kinh coi thường các biện pháp ngoại giao và hòa bình trong việc giải quyết những bất đồng và tranh chấp. Ấn Độ cũng phản ứng dữ dội, cho rằng vụ việc tấm bản đồ là âm mưu "lấn đất, lấn biển" mới của Trung Quốc. Bang Arunachal Pradesh, đông bắc Ấn Độ, mà Trung Quốc thể hiện trong tấm bản đồ mới như một phần thuộc Tây Tạng, được Ấn Độ khẳng định là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Ấn Độ và được New Deli quản lý hoàn toàn sau cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước từ năm 1962.


Truyền thông quốc tế cũng chế nhạo bản đồ mới của Trung Quốc. Báo Washington Post (Mỹ) ngày 27/6 chỉ trích bản đồ mới của Trung Quốc đã đi “quá mức ngạc nhiên” của các nước láng giềng và thật nực cười nó còn “ôm” luôn cả bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Trong bài viết “Bắc Kinh áp đặt các điều kiện phi lý trên Biển Đông” trong chuyên đề của báo Le Monde của Pháp số ra mới đây, nhà báo Brice Pedroletti phân tích tham vọng trở thành cường quốc biển là một trong những “nhiệm vụ then chốt” trong nhiệm kỳ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhằm thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”. Để đạt được giấc mộng hão huyền của mình, Trung Quốc sẵn sàng sử dụng mọi thủ đoạn, âm mưu phớt lờ luật pháp quốc tế, sử dụng ưu thế quân sự chèn ép nước nhỏ nhằm thúc đẩy các yêu sách của mình. Hãng tin Anh Reuter bình luận với bước đi mới này, Châu Á khó có thể tin vào ý định của Trung Quốc là thực sự mong muốn hòa bình. Nhật báo La Croix, Pháp ngày 26/6 dẫn lời các chuyên gia nghiên cứu, nhận định Trung Quốc đang sử dụng tham vọng bá quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông để che đậy tình trạng bất ổn trong nước.


Không chỉ khiến các nước láng giềng, các nước ngoài khu vực phản đối mà chính dư luận trong nước cũng mỉa mai tấm bản đồ này. Nhà bình luận quân sự toàn cầu của Trung Quốc có tên là Wu Ge đăng trên mạng xã hội Weibo cho rằng nếu cứ hành xử như Bắc Kinh thì nếu Mỹ, Anh hay bất kỳ nước nào muốn có các lãnh thổ ở nước ngoài thì chỉ cần vẽ ra một tấm bản đồ là xong. Và tấm bản đồ mới của Trung Quốc chỉ cho thấy sự hời hợt của lòng yêu nước mù quáng.


Lộ rõ tham vọng bá quyền


Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn không nhất quán về xuất xứ mù mờ của cái gọi là “đường 9 đoạn”. Thực tế, chính bản thân Trung Quốc còn lẫn lộn và mâu thuẫn với chính họ, không biết giải thích thế nào về "đường lưỡi bò" cho có lý. Đường lưỡi bò “9 đoạn” được vẽ như thế nào, từ bao giờ thì cho đến nay không có một tài liệu nào nói chính xác. Giới truyền thông, giới sử học, luật gia, chính trị và địa lý học của Trung Quốc mỗi người trình bày một kiểu, thậm chí mâu thuẫn nhau. Thậm chí, đường “lưỡi bò 9 đoạn” trong lịch sử đã từng được Trung Quốc “tự chế” nâng lên thành 11 đoạn.


Với những biến đổi tùy hứng mà Trung Quốc đang áp dụng nhằm thực hiện yêu sách phi lý, Bắc Kinh đang tự làm xấu mình trước cộng đồng quốc tế. Cố tình gom hết các quần đảo về tay mình, hành động của Trung Quốc đã phơi bày tham vọng “bành trướng” không che giấu. Song, đường 9 đoạn, 10 đoạn, hay 11 đoạn, theo các nhà phân tích quốc tế, cũng chỉ giúp Trung Quốc thỏa mãn trong nội bộ chứ chẳng có giá trị gì với quốc tế. Bởi dù Trung Quốc có làm gì đi nữa thì cuối cùng địa chỉ phán quyết về tính pháp lý của đường 9 đoạn hay 10 đoạn đó chỉ duy nhất là tòa án trọng tài quốc tế./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác