(VOV5) - Báo chí Việt Nam khẳng định rõ vai trò và trách nhiệm xã hội to lớn, cũng là phương tiện quan trọng trong bảo vệ và phát huy các giá trị của nhân quyền.
Báo chí cách mạng Việt Nam khởi nguồn khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập báo “Thanh niên”. Những ngày này, Việt Nam đang kỷ niệm 92 năm ngày báo chí cách mạng (21/6/1925- 21/6/2017), nhằm khẳng định vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với báo chí.
Ảnh minh họa: baochinhphu |
Tại Việt Nam hiện có khoảng 17.000 nhà báo được cấp thẻ, hoạt động trong 838 cơ quan báo chí với gần 1.100 ấn phẩm; 1 hãng thông tấn; 67 đài phát thanh, truyền hình; 74 báo và tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174 trang thông tin điện tử. Hơn 90% hộ gia đình người Việt được hưởng lợi từ sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và Ðài Truyền hình Việt Nam.
Tạo điều kiện để báo chí phát triển
Bên cạnh các quy định cụ thể trong Hiến pháp, pháp luật, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện cho các cơ quan thông tin đại chúng làm tròn chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm xã hội và phát huy quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Việt Nam đã có Luật Báo chí và Nghị định số 72 về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, là những hành lang pháp lý quan trọng để báo chí phát triển. Hiện Bộ Thông tin Truyền thông đang hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch báo chí Việt Nam đến năm 2020, nhằm xây dựng một nền báo chí cách mạng vững mạnh, vừa hiện đại, vừa có tính chuyên nghiệp cao trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trước đó, hệ thống chính sách khuyến khích internet phát triển đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ 3 ở Đông Nam Á và thứ 8 ở Châu Á về số lượng người sử dụng internet, đồng thời tạo điều kiện để hệ thống truyền thông gồm báo in, phát thanh truyền hình, báo mạng… phát triển vượt bậc.
Một buổi tọa đàm trực tiếp trên sóng Đài TNVN với chủ đề "Nhà báo và những giai điệu cuộc sống". |
Báo chí có vai trò và trách nhiệm xã hội to lớn
Báo chí phát triển không chỉ giúp nhân dân Việt Nam thỏa mãn nhu cầu văn hóa, mở mang và trau dồi tri thức, mà còn tạo ra các diễn đàn với nhiều hình thức phong phú, sinh động để các tổ chức xã hội, mọi người dân đóng góp ý kiến, thậm chí phản biện, đối với các chủ trương, chính sách của Nhà nước và của các cấp chính quyền, nâng cao dân chủ, bảo vệ và phát huy các giá trị của nhân quyền. Trong nhiều trường hợp, báo chí thật sự là công cụ bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ quyền của người dân, nhất là kiểm tra, giám sát thực thi các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam chủ động, tích cực phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng, phê phán hành vi vi phạm quyền công dân cùng những biểu hiện tiêu cực khác. Những cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện về các vấn đề quan trọng của đất nước cũng được các phương tiện thông tin đại chúng công bố công khai... giúp người dân tiếp cận với các vấn đề quan trọng, từ đó có các ý kiến phản biện… Như vậy, báo chí Việt Nam khẳng định rõ vai trò và trách nhiệm xã hội to lớn, cũng là phương tiện quan trọng trong bảo vệ và phát huy các giá trị của nhân quyền.
Báo chí đồng hành cùng đất nước trong phát triển, hội nhập
Báo chí Việt Nam còn có vai trò to lớn trong công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước thời gian qua. Sự tích cực, đồng hành của báo chí trong những thay đổi mạnh mẽ, của đất nước đã truyền cảm hứng, góp phần định hướng mọi cá nhân, mọi thành phần trong xã hội phát huy tinh thần và khả năng sáng tạo, cùng chung sức, chung lòng xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Báo chí Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của xã hội về thông tin hoạt động của các cơ quan Nhà nước, bảo đảm thực hiện nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân kiểm tra để hoạt động của Chính phủ, của bộ máy hành chính các cấp phục vụ tốt hơn cho người dân. Báo chí cũng thực hiện tinh thần trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân, phản ánh kịp thời, trung thực những nguyện vọng, ý kiến của người dân; truyền tải thông tin thiết thực phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Trí tuệ, sự tận tâm, tấm lòng ngay thẳng, tinh thần dũng cảm của các nhà báo Việt Nam đã xây lên thành tựu vượt bậc của nền báo chí cách mạng Việt Nam suốt 92 năm qua.Trong thời điểm hiện nay, các nhà báo và nền báo chí cách mạng Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định vai trò đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc hội nhập và phát triển.