Bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là việc cần làm của mọi quốc gia.

(VOV5) - Theo thống kê của Bộ Công an, đang có khoảng 2.500 trang mạng phản động đặt máy chủ tại nước ngoài hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, nhu cầu tiếp cận và chia sẻ thông tin trên không gian mạng là tất yếu. Song cũng vì thế mà các cuộc tấn công của tội phạm mạng cũng ngày càng phức tạp, tinh vi, tạo ra những thách thức không nhỏ trong công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng. Như mọi quốc gia có chủ quyền khác, Việt Nam đã thực thi Luật An ninh mạng để đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng, bảo vệ an ninh quốc gia, xây dựng và phát triển đất nước.

Bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng  là việc cần làm của mọi quốc gia. - ảnh 1 Luật An ninh mạng đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV với tỷ lệ tán thành cao (86,86%). Ảnh: TTXVN

Không gian mạng của Việt Nam luôn bị các thế lực phản động, thù địch, tội phạm mạng sử dụng để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt nguy hiểm là các loại tội phạm tuyên truyền, kích động bạo loạn, chống phá xã hội, thực hiện “Cách mạng màu”, “Cách mạng đường phố”… nhằm thay đổi thế chế chính trị. Tình trạng tin giả, tin xấu độc cũng được đăng tải tràn lan trên không gian mạng, làm ảnh hưởng đến chủ quyền, lợi ích, an ninh và tổn hại đến quyền, lợi ích của các tổ chức, các cá nhân trong nước. Theo thống kê của Bộ Công an, đang có khoảng 2.500 trang mạng phản động đặt máy chủ tại nước ngoài hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

 

Thực thi Luật An ninh mạng để bảo vệ an ninh quốc gia và phát triển đất nước.

Luật An ninh mạng của Việt nam, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2019, kiên định vấn đề có tính nguyên tắc là các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ, khai thác dịch vụ nhất là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam. Việt Nam yêu cầu các đối tác phải thể hiện sự hợp tác, tuân thủ các quy định khi vào Việt Nam như đặt cơ quan đại diện, thiết lập tính chính danh của người dùng trong đăng ký tài khoản, phối hợp tích cực để kịp thời bóc gỡ những trang mạo danh lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, xóa bỏ triệt để các tài khoản đưa thông tin sai sự thật.  Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: Chúng ta yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam. Đặc biệt là yêu cầu về gỡ bỏ thông tin. Quan trọng nhất là chúng ta thượng tôn pháp luật. Đồng thời chúng ta cũng xử lý những người đưa thông tin sai trên mạng.

Sau gần một năm có hiệu lực thi hành, những quy định về bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng của Luật An ninh mạng của Việt Nam đã đi vào đời sống, góp phần làm lành mạnh thông tin trên thế giới ảo, tạo sự tương tác tốt trong nhiều mặt của đời sống xã hội. Điều này chứng minh những mục tiêu chính yếu của Luật An ninh mạng của Việt Nam là đúng đắn. Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam, nhấn mạnh: Một trong những trọng tâm của Luật An ninh mạng là bảo vệ đối với hệ thống an ninh của đất nước chúng ta, nhưng đồng thời cũng góp phần để phát triển kinh tế, xã hội, góp phần đảm bảo về quốc phòng, về chủ quyền của đất nước, cũng như là góp phần để nâng cao vị thế đối ngoại của chúng ta.

Thực tế thực thi Luật An ninh mạng thời gian qua cũng chứng minh rằng bảo đảm được chủ quyền thông tin của Việt Nam là chính sách đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay trên thế giới. Như mọi quốc gia khác, Nhà nước Việt Nam đương nhiên phải quản lý và bảo vệ thông tin của người dân Việt Nam và thông tin quan trọng được tạo trên lãnh thổ Việt Nam. Luật An ninh mạng chính là công cụ pháp lý hữu hiệu để Chính phủ Việt Nam thực thi nhiệm vụ này.

 

Bảo vệ chủ quyền an ninh mạng là việc cần làm của mọi quốc gia

Trước những thách thức hiện hữu và nguy cơ tiềm ẩn đòi hỏi phải tư duy lại về mô hình và cách thức quản trị không gian mạng, các quốc gia đang ráo riết thiết lập những hàng rào bảo vệ bằng việc đưa ra những biện pháp cứng rắn. Đức đã thông qua luật về quản lý mạng xã hội, theo đó, những dịch vụ mạng xã hội nếu để xảy ra tình trạng người dùng lăng mạ, gây thù oán hay phát tán các tin tức giả mạo sẽ đối mặt với án phạt nặng có thể lên tới 50 triệu Euro. Australia tuyên bố sẽ phạt các công ty cung cấp dịch vụ mạng và các trang mạng xã hội tới 10% tổng thu nhập hàng năm, thậm chí phạt tù lên tới 3 năm đối với người điều hành nếu không loại bỏ hoàn toàn các nội dung xấu. Luật chống tin giả của Ai Cập cho phép cơ quan chức năng quyền giám sát các tài khoản cá nhân trên những mạng xã hội có trên 5.000 người theo dõi.

Luật An ninh mạng của Thái Lan quy định đối tượng phát tán tin giả sẽ phải chịu 7 năm tù. Philippines mới đây cũng ban hành luật quy định hoạt động truyền bá thông tin giả mạo bị coi là tội phạm hình sự, bị phạt tới 6 tháng tù, kèm khoản tiền phạt hơn 3.000 USD. Còn Singapore, vừa thông qua Dự luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến. Người lan truyền tin giả với dụng ý xấu, gây tổn hại nghiêm trọng lợi ích cộng đồng có thể đối mặt với bản án 10 năm tù, các công ty mạng xã hội nếu không tuân thủ các quy định có thể bị phạt lên đến 1 triệu đô la Singapore. Trong một diễn biến liên quan mới nhất, ngày 26/11/2019, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố đề xuất quy tắc mới, theo đó cho phép Bộ trưởng Thương mại có quyền cấm các công ty Mỹ làm ăn kinh doanh với các công ty thuộc sở hữu của nước ngoài có mối đe dọa an ninh quốc gia đối với chuỗi cung ứng thông tin và truyền thông của Mỹ.

Việt Nam đang là một quốc gia có chính trị, xã hội ổn định và trên đà phát triển, tuy nhiên, cũng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định. Tạo lập môi trường thông tin lành mạnh, an toàn trên không gian mạng sẽ góp phần tích cực bảo vệ, gìn giữ môi trường chính trị, xã hội ổn định, bao vệ chủ quyền của đất nước, làm nền tảng cho đất nước phát triển bền vững.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác