(VOV5) - Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định tôn trọng và bảo đảm quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới đất nước
Tổ chức Freedom House ngày 5/11/2019 công bố báo cáo trong đó xếp Việt Nam vào danh sách nước không có tự do Internet trong năm 2019. Đây là giọng điệu xuyên tạc cũ rích về tình hình tự do thông tin, tự do Internet ở Việt Nam. Dù những giọng điệu này có xuất hiện nhiều hơn thì tự do Internet ở Việt Nam cũng vẫn là một thực tế không thể phủ nhận.
Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do thông tin, tự do Internet. Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định tôn trọng và bảo đảm quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới đất nước. Mọi công dân Việt Nam được thực hiện các quyền tự do cá nhân, trong đó có tự do Internet, trên cơ sở pháp luật.
Việt Nam đứng thứ 12/20 quốc gia dẫn đầu thế giới về số người dùng internet
Cách nay gần 22 năm, ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức kết nối với internet toàn cầu, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử của ngành thông tin, truyền thông Việt Nam. Những năm qua, Việt Nam đã tận dụng được tối đa tính năng ưu việt của Internet trong xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi lĩnh vực xã hội. Nếu những ngày đầu Việt Nam kết nối Internet, số người sử dụng chỉ hơn 200.000 người, thì đến năm 2019, khi dân số Việt Nam đạt mốc xấp xỉ 97 triệu dân, đã có tới 64 triệu người sử dụng Internet, tăng đến 28% so với năm 2017. Hiện 94% là tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày. Và 6% là số người sử dụng Internet ít nhất một lần trong tuần. Về cơ sở hạ tầng, tốc độ truy cập Internet ở Việt Nam tăng trưởng hàng năm. Hiện nay, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ người dùng internet cao nhất châu Á, đứng thứ 12/20 quốc gia dẫn đầu thế giới về số người dùng Internet. Internet, mạng xã hội đã góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước; đã trở thành công cụ rất quen thuộc và là “một phần tất yếu” của các tầng lớp xã hội. Người dân có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua internet, nhất là qua các trang web, mạng xã hội; nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương sử dụng internet, mạng xã hội để làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính và liên hệ trực tiếp với người dân… Tất cả những điều đó cho thấy bảo đảm tự do internet luôn là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước và được bảo đảm thực hiện trên mọi lĩnh vực xã hội ở Việt Nam.
Đảm bảo an ninh mạng nhằm thực hiện quyền tự do ngôn luận của người dân
Là nước có tốc độ phát triển internet mạnh mẽ, Việt Nam đồng thời cũng là quốc gia có nguy cơ xảy ra các hành vi tội phạm mạng cao trên thế giới. Lợi dụng thế mạnh của internet, mạng xã hội, các loại tội phạm đã triệt để thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật, nhằm phá hoại kinh tế, cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, các tập đoàn kinh tế của Việt Nam. Nhằm bảo đảm an ninh mạng, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng mạng xã hội, internet để vi phạm pháp luật Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cần thiết nhằm phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng internet vi phạm quyền và lợi ích của nhà nước và công dân.
Ngoài việc ban hành các văn bản pháp luật, các bộ, ngành chức năng đã tăng cường mở rộng hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế có trình độ phát triển cao về an ninh mạng để học tập, tiếp thu công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ…; yêu cầu các tập đoàn truyền thông như: Google, Facebook… gỡ bỏ các clip, tài khoản có nội dung xấu, độc hại, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc và xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam, cam kết chấp hành pháp luật trong quá trình hoạt động ở Việt Nam. Điều này không chỉ phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật các quốc gia khác quy định trên lĩnh vực này mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của internet và nền kinh tế số tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và của công dân.
Thực tiễn ở nhiều quốc gia cho thấy, việc thực hiện quyền tự do internet cũng luôn được đặt trong khuôn khổ pháp luật. Điển hình như: Ủy ban châu Âu đã ban hành luật về bảo vệ sự riêng tư toàn cầu nhằm hạn chế hoạt động của internet, mạng xã hội vi phạm quyền riêng tư của công dân của các nước thành viên. Ủy ban châu Âu (EU) còn yêu cầu Facebook, Google, Twitter phải điều chỉnh các điều khoản sử dụng dịch vụ, truy quét thông tin xấu, gồm cả tin xuyên tạc, sai sự thật, nếu không sẽ phải chịu chế tài xử lý nghiêm khắc. Nhiều nước châu Phi và Trung Quốc cũng nghiêm cấm Facebook triển khai dịch vụ ở các nước này.
Riêng ở Trung Quốc, Chính phủ chặn toàn bộ các mạng xã hội, trong đó có Facebook, Google nhằm ngăn chặn người dùng truy cập các trang web đồi trụy hoặc có nội dung nhằm mục đích chính trị. Chính phủ Hàn Quốc, Thái Lan cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet phải kiểm duyệt, ngăn chặn các tài khoản, clip có “nội dung không phù hợp” trên các mạng xã hội. Ngay ở Mỹ, quốc gia tự cho mình là “đất nước tự do” thì Quốc hội nước này đã ban hành nhiều văn bản luật nhằm xử lý, ngăn chặn việc lợi dụng internet, mạng xã hội để khủng bố, kích động bạo lực hay là vi phạm sở hữu trí tuệ...
Cũng như các quyền tự do cơ bản khác, việc thực hiện quyền tự do thông tin, tự do internet cũng phải được thực hiện trên cơ sở pháp luật, tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người khác, của xã hội. Sẽ là vi phạm pháp luật nếu lợi dụng tự do internet, mạng xã hội để vi phạm pháp luật Việt Nam; xâm hại quyền và lợi ích chính đáng của người dân và của xã hội. Quan điểm nhất quán của Việt Nam không cấm sự phát triển của mạng internet, mà chỉ nghiêm cấm mặt trái do internet gây ra, trái với bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, cản trở sự phát triển xã hội, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Các tổ chức dân sự trên thế giới, trong đó có Freedom House, cần biết rõ điều này.