(VOV5) - Với ý nghĩa đặc biệt đó, ngày 9/5 hàng năm được tôn vinh là “Ngày Chiến thắng” tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngày 9/5/1945, tức chỉ ít ngày sau khi lực lượng phát-xít Italia bị quân Đồng minh đánh bại, phát-xít Đức đã tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh. Sự kiện này đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa phát-xít tại châu Âu, trực tiếp dẫn tới việc phát-xít Nhật tuyên bố đầu hàng ngày 2/9 cùng năm, chính thức kết thúccuộc Chiến tranh thế giới thứ hai với chiến thắng hoàn toàn thuộc về quân Đồng minh.Phe phát-xít bị đánh bại, hàng chục quốc gia được giải phóngvới hàng trăm triệu dânđược cứu thoát. Với ý nghĩa đặc biệt đó, ngày 9/5 hàng năm được tôn vinh là “Ngày Chiến thắng” tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Hơn 7 thập niên đã trôi qua, song đến nay, chiến thắng của quân Đồng minh và các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới trước chủ nghĩa phát-xít năm 1945, vẫn luôn là bài học lịch sử quý giá và mang tính thời sự, nhắc nhở loài người về sứ mệnh gìn giữ và bảo vệ nền hòa bình thế giới.
Bài học lịch sử từ Thế chiến thứ II
Sự thực lịch sử đã được công nhận rộng rãi là Chiến tranh thế giới thứ hai bắt nguồn từ những mâu thuẫn không thể giải quyết được của các nước đế quốc. Các nước đế quốc mới nổi như Đức Quốc xã - Nhật Bản - Italy do thất thế về thuộc địa và thị trường, đã hình thành liên minh “phe trục” (phe phát-xít), xây dựng quân đội mỗi nước thành những “cỗ máy xâm lược” để phát động chiến tranh chia lại thế giới.
Các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô vui mừng với chiến thắng tại Berlin, sào huyệt cuối cùng của phát xít Đức trong chiến tranh thế giới lần hai, ngày 9/5/1945 - Ảnh: tư liệu quốc tế/TTXVN |
Để chống lại quân đội phát-xít, khối quân Đồng minh đã hình thành với trụ cột là ba cường quốc Liên Xô, Mỹ và Anh. Tại Hội nghị thượng đỉnh Yalta (Liên Xô) tháng 2/1945 theo đề xuất của Liên Xô, ba cường quốc thống nhất nhiệm vụ chung là tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa quân phiệt; thành lập một tổ chức để gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế; thông qua các quyết định quan trọng về việc phân chia ảnh hưởng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Liên Xô và Mỹ. Ngay sau Thế chiến II, năm 1946, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc được thành lập với sứ mệnh lớn nhất là duy trì và bảo vệ hòa bình thế giới.
Những diễn biến lịch sử cách đây hơn 7 thập niên cho thấy, dù có khác biệt, thậm chí là đối lậpvề hệ tư tưởng, chế độ chính trịcũng như lợi ích, song các cường quốc vẫn có thể liên kết chống lại chủ nghĩa phát-xít, kẻ thù chung của nhân loại, nhằm khôi phục và bảo vệ hòa bình thế giới.Ngày nay, khi trật tự và cục diện thế giới đang có sự biến động mạnh mẽ kéo theo sự xuất hiện của nhiều nguy cơ nghiêm trọng đe dọa hòa bình thế giới và sự tồn vong của loài người, bài học từ cuộc chiến chống chủ nghĩa phát-xít năm 1945 lại được nhắc đến.
Bảo vệ hòa bình thế giới: sứ mệnh của mọi thời đại
Tại Diễn đàn “Thế giới tưởng niệm các nạn nhân do tội ác diệt chủng gây ra” tổ chức tại Jerusalem (đang do Israel kiểm soát) hồi đầu năm nay, Tổng thống Nga V. Putin đã đề xuất sáng kiến tổ chức cuộc gặp nguyên thủ 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, để cùng nỗ lực đối phó với các mối đe dọa hòa bình và an ninh toàn cầu. Giới phân tích quốc tế đã gọi đề xuất này là “Sáng kiến về Hội nghị Yalta-2”, hàm ý về tầm quan trọng đặc biệt của một sự kiện quốc tế có thể quy tụ nguyên thủ tối cao của tất cảcác cường quốc trên thế giới,tương tự như Hội nghị Yalta trong Thế chiến II, để thống nhất hành động và nỗ lực bảo vệ hòa bình thế giới trước các thách thức và mối đe dọa nghiêm trọng hiện nay.
Điều đáng nói là, không lâu trước đề xuất của Tổng thống Nga, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cảnh báo rằng thế giới đang phải đối mặt với ít nhất 4 mối đe dọa toàn cầu là: Sự leo thang mức độ cạnh tranh địa - chiến lược cao nhất từ trước tới nay, nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân; khủng hoảng về biến đổi khí hậu; thực trạng mất lòng tin đối với các thể chế chính trị quốc tế; vấn đề sử dụng các công nghệ mới nhất trong các hoạt động tội phạm.Trong đó, mối đe dọa thứ nhất “Sự leo thang mức độ cạnh tranh địa - chiến lược, nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân”, được giới phân tích đánh giá là đặc biệt đáng quan ngại. Kể từ cuối những năm 1990, 5 quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc) đã không còn là những chủ thể duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân kể từ sau Thế chiến II. Ngoài ra, năm 2002, Mỹ đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa ký với Liên Xô (Nga), xúc tiến triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa ở châu Âu và Đông Á. Đến năm 2019, Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Liên Xô (Nga) năm 1987, đồng thời từ chối đàm phán với Nga về việc gia hạn hiệp ước hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược giai đoạn III (START-III) sẽ hết hạn vào năm 2021.
Bởi vậy, giới phân tích cho rằng, một Hội nghị thượng đỉnh quốc tế đặc biệt kiểu như “Hội nghị Yalta 1945” cần được tổ chức để thảo luận và tìm ra biện pháp ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân - mối đe dọa hòa bình thế giới thậm chí còn khủng khiếp hơn cả chủ nghĩa phát-xít trước đây.Từ bài học lịch sử trong cuộc chiến chống phát-xít, các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc, cần gạt sang bên những bất đồng, mâu thuẫn để cùng nỗ lực và hành động vì một thế giớihòa bình và an toàn.