Bê bối gián điệp thử thách quan hệ Mỹ - Nga

(VOV5) - Quan hệ giữa Nga - Mỹ vừa mới nhen nhóm những tia hy vọng tích cực sau gần 2 thập kỷ chiến tranh lạnh lại đang đứng trước thách thức mới sau khi cơ quan tình báo Nga vừa bắt giữ và trục xuất một nhân viên CIA làm việc tại sứ quán Mỹ ở Moscow vì nghi người này dùng số tiền lớn để mua chuộc một tình báo viên Nga. Hai cường quốc sẽ nhanh chóng tháo gỡ vấn đề này, hay để tình hình leo thang căng thẳng? Đó là câu hỏi mà dư luận đặt ra.


Bê bối gián điệp thử thách quan hệ Mỹ - Nga - ảnh 1
Ryan C. Fogle tại cơ quan an ninh Nga bên cạnh là thẻ nhân viên sứ quán Mỹ của anh ta (Ảnh: internet)


Hôm 14/5, báo chí Nga đồng loạt đưa tin nước này đã bắt giam một điệp viên CIA hoạt động dưới vỏ bọc là một nhà ngoại giao ở sứ quán Mỹ tại Moscow. Người này có tên là Ryan Fogle, bị cáo buộc âm mưu tuyển mộ một sỹ quan tình báo Nga. Ngay lập tức, Bộ ngoại giao Nga đã triệu Đại sứ Mỹ ở Moscow Michael McFaul và ra quyết định trục xuất tên Fogle ra khỏi lãnh thổ Nga.


Vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm nhạy cảm khi cả Moscow và Washington đang có những bước đi thận trọng để cải thiện quan hệ song phương sau một thời gian dài “lạnh nhạt”. Dù hai bên cùng tuyên bố quyết tâm tái khởi động quan hệ nhưng những bất đồng cội rễ vẫn luôn cản trở quan hệ song phương. Nổi bật nhất trong số những bất đồng đó là chiến lược xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) của Mỹ ở Châu Âu, chương trình hạt nhân của Iran, tên lửa của CHDCND Triều Tiên, diễn biến của phong trào “Mùa xuân Arab”… Năm 2012 được xem là năm sóng gió nhất trong quan hệ Mỹ-Nga bởi hàng loạt các vụ trả đũa lẫn nhau như Moscow chấm dứt hoạt động của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Nga, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật Magnitsky, một đạo luật được đặt theo tên của một luật sư người Nga Sergei Magnitsky bị chết trong nhà giam của Nga trước khi được đưa ra xét xử vì tội danh trốn thuế. Ngay sau đó, để trả đũa Quốc hội Nga cũng thông qua đạo luật cấm người Mỹ nhận con nuôi từ Nga. Gần đây nhất, chính quyền Tổng thông Barack Obama đã liệt kê danh sách 18 quan chức Nga được coi là “vi phạm nhân quyền” bị cấm nhập cảnh vào Mỹ và các tài sản của họ ở Mỹ sẽ bị phong tỏa. Đáp lại, Moscow cũng ngay lập tức công bố danh sách 18 quan chức Mỹ bị cấm nhập cảnh vào Nga. Thêm vào đó, thời gian gần đây, bất đồng trong việc giải quyết khủng hoảng chính trị ở Syria càng làm cho quan hệ Moscow-Washington khó có bước cải thiện nào.


Trở lại vụ việc điệp viên Mỹ bị lật mặt tại Nga, Ryan Fogle, đây không phải là vấn đề mới mẻ bởi trong quá khứ, quan hệ hai bên đã nhiều lần nóng lên do những bê bối gián điệp gây chấn động. Với vụ bắt giữ gián điệp lần này, dư luận lo ngại liệu vụ việc có đe dọa đến quan hệ đối tác giữa hai nước vừa mới nhen nhóm tạo dựng hay không. Thực tế những dấu hiệu hiện tại cho thấy hai nước đang có những phản ứng ngoại giao kiềm chế hơn là động thái gia tăng căng thẳng. Bằng chứng là cho đến thời điểm hiện tại, chính quyền Mỹ chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về việc phản gián Nga bắt giữ nhân viên ngoại giao của mình. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell dù nhấn mạnh hàng động của phía Nga là “khiêu khích và không phù hợp trong việc thúc đẩy tăng cường sự tin cậy giữa hai nước”, nhưng cũng đồng thời khẳng định vụ việc này sẽ không hề ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Nga. Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng trái với thông lệ từ phía chính quyền Mỹ là động thái đáp trả ngay lập tức như trục xuất ai đó trong số các nhà ngoại giao Nga, cách hành xử “im ắng” và “thận trọng” lần này là dấu hiệu tích cực cho thấy Nhà Trắng sẵn sàng gạt bê bối, tiếp tục hợp tác với Kremli. Có lẽ, hậu quả tiêu cực của vụ khủng bố ở Boston là bài học nhãn tiền khiến Washington không muốn xới tung vấn đề lên để gây thêm căng thẳng. Chính mối quan hệ lỏng lẻo giữa lực lượng an ninh Nga-Mỹ đã tạo cơ hội để cho tội phạm khủng bố gia tăng hoạt động mà anh em nhà Tamerlan thực hiện đánh bom ở Boston vừa qua là một ví dụ điển hình. Bởi thế, Boston là cơ hội để Nga, Mỹ xích lại gần nhau trong hợp tác an ninh. Điều này có lợi cho cả hai bên. Trong bối cảnh chẳng còn bao lâu nữa sẽ đến ngày khai mạc Thế vận hội Mùa đông 2014 ở Sochi, Nga rất cần loại bỏ mọi mối đe dọa khủng bố, chủ yếu từ khu vực bắc Kavkaz, nơi gia tăng hoạt động của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, còn Mỹ cũng rất cần Nga sát cánh trong cuộc cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế mà Mỹ đang quyết tâm theo đuổi.


Dù nhiều ý kiến cho rằng vụ bê bối gián điệp lần này không gây tác động lớn đến quan hệ Mỹ-Nga, song chắc chắn nó đã là một bước lùi trong nỗ lực tạo dựng niềm tin giữa Moscow và Washington. Để phá bỏ bức tường nghi kỵ cản trở quan hệ hai cựu thù thời chiến tranh lạnh sẽ còn phải mất rất nhiều thời gian và trải qua nhiều thăng trầm, bởi giữa hai bên vẫn còn bất đồng sâu sắc về quan điểm và cạnh tranh gay gắt về lợi ích./. 

Phản hồi

Các tin/bài khác