Biến bãi đá ngầm thành đảo: Trung Quốc đang vi phạm luật pháp quốc tế

(VOV5) - Những gì đang diễn ra ở Gạc Ma thực sự là một phần điển hình trong kế hoạch rộng lớn, tham vọng và phi pháp của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông. 

Giới báo chí cũng như các học giả quốc tế đang liên tục nhắc tới “tham vọng bá quyền” của Trung Quốc trên Biển Đông, thông qua việc xây dựng các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo tại Gạc Ma và mở rộng trái phép một số khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc không những trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, mà còn là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, làm căng thẳng thêm tình hình khu vực. 

Biến bãi đá ngầm thành đảo: Trung Quốc đang vi phạm luật pháp quốc tế - ảnh 1

Trong diễn biến mới nhất để đẩy nhanh các hoạt động xây dựng trái phép trên Biển Đông, Trung Quốc đã đầu tư gần 6 triệu USD để xây trường học trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.Cách đây vài ngày, Tổ hợp truyền thông BBC đã vạch trần các công trường chế tạo đảo của Trung Quốc ở Gạc Ma và một số bãi ngầm khác trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong phóng sự “Xưởng chế tạo đảo của Trung Quốc”. Điều này là trùng hợp với báo cáo mới đây của Chính phủ Philipines rằng Trung Quốc có thể đang tiến hành xây dựng tại ít nhất 5 vị trí thuộc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam gồm: Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa và Én Đất.

  Hành động điển hình của tham vọng bá quyền ở Biển Đông...

Bãi đá Gạc Ma là rạn san hô chìm dưới mặt nước, nằm ở đầu phía Tây Nam của cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Sau khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép bãi đá này của Việt Nam từ năm 1988, Trung Quốc đã từng bước cải tạo, xây dựng trên bãi đá này những cấu trúc vững chắc và biến nơi này thành một trong những tiền đồn quân sự phi pháp của họ trên Biển Đông. Không dừng lại ở đó, từ tháng 02/2014 đến nay, Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo, mở rộng và lấn chiếm với quy mô lớn chưa từng có tại đây. Hàng chục máy xúc, máy ủi, cần cẩu với cả tá tàu bè lớn nhỏ ngày đêm bơm hút một lượng cát khổng lồ lên Gạc Ma.Chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, từ một bãi đá ngầm nửa nổi nửa chìm, Gạc Ma hiện nay đã trở thành một hòn đảo nhân tạo với những kết cấu rất rõ ràng của một cảng nước sâu, một cầu tàu quy mô lớn, một sân đỗ rộng với đường băng khá dài... Những gì đang diễn ra ở Gạc Ma thực sự là một phần điển hình trong kế hoạch rộng lớn, tham vọng và phi pháp của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông. Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ, khẳng định:Việc này cùng với những hoạt động từ xưa đến nay nằm trong một tính toán, âm mưu  của Trung quốc nhằm hiện thực, hợp thức hóa yêu sách của họ, một yêu sách đưa ra không có bất kỳ một cơ sở pháp lý nào. Bây giờ họ đang tìm cách tạo dựng các căn cứ pháp lý để họ nói rằng những yêu sách đó hoàn toàn phù hợp với Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982, tức là họ đang muốn biến những đảo chìm, những bãi cát trở thành đảo nổi, thậm chí họ muốn xây dựng các căn cứ cho cho việc nói rằng những đảo này đủ lớn và thích hợp cho con người ở và có đời sống kinh tế riêng. Đó hoàn toàn là một sự tính toán của Trung Quốc.

 Trung Quốc đang vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế

Cùng với bãi đá Gạc Ma, Trung Quốc cũng đang tiến hành cải tạo, lấn chiếm quy mô lớn ở các bãi đá Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa và Én Đất. Sau việc dùng vũ lực để đánh chiếm các điểm đảo, bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc lại tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế với những hành động ngang ngược này. Tiến sỹ Trần Công Trục phân tích:Trung Quốc cố tình giải thích và áp dụng sai Công ước về Luật biển, cố tình tạo dựng ra các đảo để tranh giành quyền và lợi ích chính đáng, vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia ven biển theo như Công ước quốc tế về Luật biển đã được ký kết và có hiệu lực trên toàn thế giới. Đó là một sự vi phạm rất lớn. Việc  xây dựng và mở rộng thêm các khu vực chiếm đóng trong các thực thể trong quần đảo cũng là sự vi phạm các thỏa thuận của các nước trong khu vực này như giữa ASEAN với Trung Quốc, trong Tuyên bố giữa các bên liên quan về Biển Đông DOC và khi các bên đang muốn cùng nhau xây dựng Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC).


Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng việc cải tạo, xây dựng các đảo của Trung Quốc trên Biển Đông là nhằm mục đích quân sự, đặc biệt là việc xây dựng một đường băng, để làm nền tảng thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.Trong một phát biểu mới đây, Ngoại trưởng Philipines Anbert del Rosario nhấn mạnh chính sách này của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ đe dọa đến an ninh và ổn định của khu vực. Ông cũng lý giải các hành động vội vã này của Trung Quốc là vì muốn các công trình trên Biển Đông được hoàn thành trước khi các bên thống nhất được Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC).         

 Rõ ràng là Trung Quốc đang cho thấy ý đồ độc chiếm Biển Đông khi tìm cách hợp pháp hóa những đảo đá nhân tạo mà họ đã dùng vũ lực để chiếm giữ và đang tiếp tục cải tạo, cơi nới và xây dựng phi pháp. Hành động này càng cho thấy dù Trung Quốc đang là một quốc gia trỗi dậy vì hòa mình nhưng lại có cách hành xử thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế, không vì lợi ích chung của cộng đồng./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác