BRICS: Biến sức mạnh riêng thành sức mạnh chung

(VOV5) - Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) lần thứ 5 hôm nay khai mạc tại thành phố cảng Durban của Nam Phi. Vốn vẫn được nhắc đến như một chủ thể độc lập và có sức mạnh về kinh tế, suốt 2 thập kỷ qua, các nước thành viên BRICS  luôn dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để trở thành sức bật mới thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thế giới, đóng vai trò lớn hơn trong một thế giới đa cực, nhiều thách thức như hiện nay, BRICS cần phối hợp hành động chung, mỗi thành viên cần dẹp bỏ cái tôi cá nhân vì lợi ích chung của cả nhóm. BRICS có diện mạo mới là điều mà dư luận trông đợi tại Hội nghị thượng đỉnh lần này.


BRICS: Biến sức mạnh riêng thành sức mạnh chung - ảnh 1
Lãnh đạo 5 nước BRICS. (Ảnh: AP)


Sở hữu số dân và dự trữ ngoại tệ của gần một nửa thế giới, sức tăng trưởng mạnh mẽ, nhóm 5 nước bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, BRICS đang được đánh giá là nhân tố tái định hình bức tranh kinh tế toàn cầu. Chỉ tính riêng trong năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức 4% trong khi các nước Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) chỉ dừng ở con số khiêm tốn 0,7%. Theo một nghiên cứu mới đây của các chuyên gia dự báo kinh tế thế giới, các thành viên BRICS tiếp tục giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, vững trong vòng 15 năm tới. Đây quả là những con số hết sức ấn tượng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu đang hoành hành tại nhiều quốc gia.


Tuy nhiên, nhắc đến BRICS, lâu nay, người ta vẫn biết đến sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng của từng thành viên riêng lẻ chứ chưa phải là một thực thể khối thống nhất, vững mạnh, có vị thế và vai trò trên trường quốc tế. Một nguyên nhân khách quan là bởi BRICS mới thành lập trong thời gian tương đối ngắn, song, giới phân tích nhìn nhận nguyên nhân chính là do BRICS thiếu một kế hoạch hành động chung. Sự gắn kết giữa các thành viên BRICS chủ yếu theo mô hình quan hệ song phương, nhằm tối đa hóa các lợi ích quốc gia của mình. Mặc dù có những quan điểm chung về các vấn đề toàn cầu nhưng các nước BRICS lại đang tồn tại những khác biệt liên quan đến lợi ích riêng. Chính sự khác biệt này khiến hợp tác giữa các nước BRICS tiến triển tương đối chậm, ngược với sự phát triển khá nhanh của từng thành viên.


Minh chứng cho điều này là bất đồng kéo dài trong hàng loạt vấn đề. Trước hết là việc thảo luận thành lập một ngân hàng phát triển chung. Tiếp đến là việc các nước BRICS dù không hài lòng về quy chế coi đồng USD như đồng tiền dự trữ của thế giới nhưng lại không nhất trí được về cách thức phản ứng trong vấn đề này. Trung Quốc luôn theo đuổi tham vọng đưa đồng Nhân dân tệ trở thành một đồng tiền toàn cầu, cạnh tranh với đồng USD và đồng euro và có kế hoạch mở rộng các khoản vay bằng đồng Nhân dân tệ cho các thành viên BRICS khác. Nhưng điều này lại ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường sản xuất tại các nước BRICS khác. Ngay trong nội bộ BRIC cũng không có sự thống nhất về lợi ích. Brazil và Nga hy vọng giá năng lượng và nguyên liệu thô tăng lên để hưởng lợi, nhưng Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước lớn về sản xuất hàng hóa - lại muốn giá năng lượng và nguyên liệu thô giảm xuống. Đây chính là mâu thuẫn căn bản về lợi ích giữa các nước BRIC. Hay Brazil - nước nông nghiệp có sức cạnh tranh nhất thế giới nhưng không thể tiếp cận thị trường nông sản Ấn Độ vì New Dehli rất quan tâm bảo vệ 300 triệu dân trong khu vực nông nghiệp có sức cạnh tranh rất thấp của họ. Trong cả các vấn đề quốc tế, nội bộ BRICS cũng không có sự thống nhất. Trong khi Trung Quốc phản đối việc mở rộng số ghế thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thì Ấn Độ lại có quan điểm trái ngược khi cho rằng không thể chỉ có 1 quốc gia châu Á duy nhất là Trung Quốc có chiếc ghế thường trực tại Hội đồng bảo an.


Tất cả những trở ngại trên khiến hợp tác BRICS chưa thực sự được như kỳ vọng dù mỗi quốc gia thành viên đều là những cường quốc kinh tế lớn. BRICS mới chỉ được chú ý bởi danh tiếng, bởi cái tên mà chưa tỏ rõ được vai trò đầu tầu của mình. Tuy nhiên, tại Hội nghị lần này, giới phân tích nhận định có nhiều dấu hiệu cho thấy BRICS đang quyết tâm xóa bỏ những bất đồng để có thể gặt hái nhiều thành công hơn trong thời gian tới. Trước thềm Hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra lời kêu gọi cải tổ BRICS. Quan điểm của Moscow là nên chuyển từ diễn đàn đối thoại thành cơ chế phối hợp hành động chiến lược để tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề then chốt của thế giới. Lãnh đạo các nước BRICS cũng nhất trí thông qua việc thành lập một ngân hàng phát triển mới, cho rằng nhóm cần có một công cụ tài chính đủ mạnh để tạo ra nhiều cơ hội thương mại, cũng như liên kết dự trữ ngoại tệ nhằm bảo vệ các nước trước những cú sốc tài chính toàn cầu, dù khó có thể thống nhất ngay được việc làm thế nào để ngân hàng này được tài trợ và điều hành. Dự kiến, BRICS ra Tuyên bố chung về những vấn đề thời sự quốc tế nóng như khủng hoảng chính trị tại Syria, hạt nhân Iran, phi hạt nhân hóa bán đảo  Triều Tiên…


Sau 5 năm kể từ khi thành lập, rõ ràng là sự tăng trưởng mạnh mẽ của BRICS đã góp phần quan trọng định hình bức tranh kinh tế toàn cầu. Nhưng, để trở thành đối trọng và trở thành một cực trong cục diện kinh tế chính trị thế giới, BRICS cần phải tỏ rõ quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa, trong hành động chứ không phải những cam kết chung chung. Cuộc gặp gỡ tại Nam Phi lần này được kỳ vọng sẽ đem lại 1 diện mạo mới cho BRICS./.

Phản hồi

Các tin/bài khác