Bức tranh rõ nét về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam

(VOV5) - Sách trắng cung cấp các thông tin cơ bản về tôn giáo, chính sách tôn giáo, thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam...

Những thành tựu về việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam  vừa được công bố trong Sách trắng "Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” lần đầu tiên ra mắt công chúng ngày 9/3 mới đây tại Hà Nội.

Sách trắng cung cấp các thông tin cơ bản về tôn giáo, chính sách tôn giáo, thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, thách thức cần vượt qua và những hướng ưu tiên nhằm thúc đẩy việc thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân.

Bức tranh rõ nét về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam - ảnh 1

Đặc thù của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là xem trọng tín ngưỡng, tôn giáo. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng chăm lo cuộc sống vật chất tinh thần, trong đó có việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các dân tộc thiểu số trên mọi miền đất nước. Đây là minh chứng rõ nét nhất về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam.

Thực tế sinh động về tự do tín ngưỡng tôn giáo

Cứ mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, các tín đồ chức sắc Tin Lành bà con dân tộc Mông ở khu vực lân cận, lại tập trung ở điểm nhóm Pờ Ngài, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, Lai Châu, một trong 7 điểm sinh hoạt tôn giáo ở xã Huổi Luông, để cùng hát Thánh ca, nghe đọc kinh Thánh và cầu nguyện.

Dẫu quãng đường đến điểm sinh hoạt chung phải đi qua nhiều con dốc, con suối dài gần chục km, thời tiết mưa nắng thất thường, nhưng anh Lý A Phòng không vắng mặt trong bất kỳ buổi sinh hoạt nào: "Mình rất là vui. Nói chung chính quyền địa phương vẫn luôn tạo điều kiện và rất là hợp tác với bà con trong bản. Bây giờ đã có cái giấy công nhận sinh hoạt ở điểm nhóm rồi. Trong các buổi sinh hoạt, cũng nhắc nhở bà con không đi nghe tín đồ ở ngoài, không nghe kẻ xấu lợi dụng đi làm cái này cái kia, một lòng tuân thủ hướng dẫn của chính quyền địa phương của Đảng và Nhà nước."

Bức tranh rõ nét về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam - ảnh 2 Các tín đồ chức sắc Tin Lành, bà con dân tộc Mông tập trung ở Pờ Ngài để cùng hát Thánh ca, nghe đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. Ảnh: Hữu Chánh. Ảnh: dantoctongiao.laodong.vn

Anh Lý A Di, trưởng điểm nhóm sinh hoạt Hội Thánh Tin lành ở Pờ Ngài, xã Huổi Luông, cho biết mỗi sáng chủ nhật, điểm sinh hoạt Pờ Ngài đón khoảng 190 tín đồ. Bà con phấn khởi vì chính quyền xã luôn tạo điều kiện giúp đỡ đồng bào sinh hoạt tín ngưỡng thuận lợi: "Trong vài năm gần đây, chính quyền xã và các cấp chính quyền đều tạo điều kiện tốt, mình có thể được tự do trao đổi tín ngưỡng với nhau, học về Chúa rất là bình thường. Ngoài hát thánh ca, cầu nguyện, chia sẻ Kinh thánh, tôi còn chia sẻ với bà con về những công việc khác. Ví dụ, vào những ngày trời mưa thì khuyên bà con không nên đi đâu xa để tránh lũ lụt, mùa nắng, mùa khô, thì chia sẻ với bà con cách phòng chống chữa cháy."

Bức tranh rõ nét về tự do tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam

Các tín đồ Tin lành ở điểm nhóm Pờ Ngài, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, Lai Châu nằm trong số 26,5 triệu tín đồ tôn giáo ở Việt Nam. Đời sống tín ngưỡng tự do của đồng bào Mông ở Pờ Ngài cũng là một điển hình trong bức tranh rõ nét về tự do tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào có đạo trong cả nước. Đây cũng chính là thực tế mà Sách trắng "Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” thể hiện, thông qua các hình ảnh, số liệu về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Bức tranh rõ nét về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam - ảnh 3hế hệ người Mông ở Huổi Luông tham gia các buổi sinh hoạt tôn giáo. Ảnh: dantoctongiao.laodong.vn

Thông tin về cuốn sách này, ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, cho biết cuốn sách cung cấp thông tin cơ bản về tôn giáo, chính sách tôn giáo, thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, cũng như thách thức cần vượt qua và những nhiệm vụ ưu tiên nhằm thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân: “Trên tinh thần đối thoại cởi mở, hợp tác song phương và đa phương, có hiệu quả với các nước, các tổ chức quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền, tôn giáo, nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ quyết tâm thực hiện mục tiêu ngày càng đảm bảo, bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Hy vọng cuốn sách này, chúng tôi sẽ cung cấp cho độc giả trong và ngoài nước những thông tin khách quan và bổ ích, giúp quý vị nhận thức đúng đắn và đầy đủ về chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, cũng như thành tựu, thách thức trong việc đảm bảo thực hiện những quyền này trên thực tế."

Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” không chỉ giúp độc giả trong và ngoài nước hiểu rõ và đầy đủ về chính sách tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, mà còn mạnh mẽ khẳng định các tôn giáo Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
Cuốn sách khẳng định "Không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm". Người dân cũng hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số, vốn chiếm khoảng 14% dân số. Như vậy, cùng với thực tế tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Pờ Ngài, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, những thông điệp từ cuốn Sách trắng“Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, thêm một lần nữa giúp cộng đồng quốc tế hiểu biết rõ hơn về bức tranh tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác