Bước chuyển ở nông thôn sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26

(VOV5) - Liên kết kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp cũng là hướng đi được chú trọng đẩy mạnh.

Ngày 24/07, tại Hà Nội, sẽ diễn ra Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực hiện Nghị quyết này, 10 năm qua, kinh tế nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, đẩy mạnh công nghiệp.

Bước chuyển ở nông thôn sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 - ảnh 1Ảnh minh họa/ TTXVN 

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị. Do đó, các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng, Nhà nước giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Bộ mặt nông thôn thay đổi

10 năm qua, việc phát triển các ngành công nghiệp phục vụ phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn đã góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Trong đó, các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn đã tập trung vào các ngành nghề có thế mạnh. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thủy sản đã tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, một số sản phẩm từng bước đã vươn ra thị trường xuất khẩu.

Đáng chú ý mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp đã đảm bảo ổn định thông qua các hợp đồng kinh tế. Điều này góp phần khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”, tạo sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh hàng nông sản - thực phẩm.

Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông nghiệp giảm, lâm nghiệp, thủy sản tăng. Sản xuất nông nghiệp chuyển nhanh sang nông nghiệp hàng hoá, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, đảm bảo an ninh lương thực và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Nhiều tỉnh đã thực hiện có hiệu quả các dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thu hút các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Chuẩn hóa thị trường nông sản thực phẩm

Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp còn chưa đồng đều giữa các vùng. Công tác thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị mới chỉ ở diện hẹp trên một số sản phẩm, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu gắn với thị trường tiêu thụ. Kết cấu hạ tầng theo yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại còn yếu và chưa đáp ứng được sản xuất theo công nghệ cao.

Để tiếp đà phát triển kinh tế nông thôn, mới đây, chính phủ đã phát động chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm, nhằm thúc đẩy sản xuất các nhóm sản phẩm đặc sản truyền thống của mỗi địa phương, hướng tới nâng cao đời sống người nông dân.

Ông   Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng điều phối nôgn thôn mới TW, cho biết: "Nội dung trọng tâm là hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác xã từ vấn đề nâng cao năng lực tiếp cận thị trường theo 1 chuỗi sản xuất liên kết để đưa các sản phẩm truyền thống của mỗi vùng miền đến với thị trường cả nước và xuất khẩu. Trong thời gian qua, chúng ta đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thóng lưu thông thương mại, với với điều kiện như vậy các sản phẩm truyền thống của từng xã từng huyện sẽ tiếp cận thị trường với chi phí thấp hơn, từ đó giúp kinh tế nông thôn ngày càng phát triển.

Liên kết kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp cũng là hướng đi được chú trọng đẩy mạnh. Tiến sỹ Lê Văn Bành, nguyên Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng:           

"Trong quá trình xúc tiến thương mại, cần tìm hiểu vùng Đông Bắc Á cần sản phẩm nông nghiệp gì, Trung Đông cần gì, qua đó đặt hàng ngược lại cho doanh nghiệp hoặc Bộ nông nghiệp. Việt Nam có thừa sức làm việc đó. Kế nữa là đẩy mạnh việc nông dân phải sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp cho đảm bảo chất lượng cao và số lượng nhiều."

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, các địa phương đều đánh giá văn kiện này là một trong số những Nghị quyết của Trung ương đã đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả nhất. Trong giai đoạn tới đây, việc cập nhật và xem xét những vấn đề còn tồn tại trong thực hiện Nghị quyết 26 sẽ được tiến hành điều chỉnh, bổ sung, để hướng đến mục tiêu nông nghiệp, nông dân và nông thôn sẽ phải phát triển tốt hơn nữa, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác