Các nỗ lực ngoại giao mở cánh cửa đàm phán hòa bình Nga - Ukraine

(VOV5) - Hiện vẫn còn quá sớm để nhận định về triển vọng cuộc xung đột tại Ukraine, song rõ ràng việc đại diện của hai bên liên tiếp tổ chức 3 cuộc đàm phán trong hơn 10 ngày

Ngày 10/3, đàm phán cấp ngoại trưởng giữa Nga và Ukraine kết thúc mà không đạt được tiến triển về một lệnh ngừng bắn, ngoại trừ việc Nga sẽ mở cửa các hành lang nhân đạo cho phép sơ tán người dân Ukraine khỏi 5 thành phố của nước này. Hiện vẫn còn quá sớm để nhận định về triển vọng cuộc xung đột tại Ukraine, song rõ ràng việc đại diện của hai bên liên tiếp tổ chức 3 cuộc đàm phán trong hơn 10 ngày, cùng các nỗ lực ngoại giao được các bên liên quan ráo riết xúc tiến, cho thấy cánh cửa đối thoại để giải quyết hòa bình xung đột vẫn chưa khép lại, dù rằng còn không ít khó khăn phía trước.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa Ngoại trưởng hai nước kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2. Hai bên đã thảo luận các nội dung chính như hành lang nhân đạo, lệnh ngừng bắn, an ninh hạt nhân và lập trường trung lập của Ukraine. Tuy nhiên, hai bên không nhất trí về vấn đề cụ thể nào, ngoại trừ việc khẳng định Nga mở hành lang nhân đạo cho phép sơ tán người dân Ukraine khỏi 5 thành phố, đồng thời sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc gặp tương tự để tìm kiếm các giải pháp cho tình hình hiện nay.

Chưa đạt kết quả cụ thể dù thiện chí đã có

Liên tiếp trong hơn 10 ngày qua, Moscow và Kiev đã tiến hành 3 vòng đàm phán, tuy nhiên những tiến triển đạt được, theo đánh giá của chính hai bên, là không đáng kể. Trọng tâm cuộc gặp lần ba tại Belarus giữa đại diện Nga và Ukraine và cũng là mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế lúc này, là về việc sơ tán dân thường qua các hành lang nhân đạo đã được hai bên tháo gỡ được một số vướng mắc.

Các nỗ lực ngoại giao mở cánh cửa đàm phán hòa bình Nga - Ukraine - ảnh 1Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái), Ngoại trưởng Ukraine Dmyhtro Kuleba (phải) và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại cuộc đàm phán ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 10/3/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Khi Nga và Ukraine đồng ý ngồi vào bàn đàm phán lần đầu tiên hôm 28/2, cộng đồng quốc tế đã hoan nghênh nhưng chưa thể lạc quan về khả năng hai bên nhanh chóng đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Thực tế của ba lần đối thoại tại Belarus cho thấy thái độ thận trọng trên hoàn toàn có cơ sở, khi còn nhiều vấn đề không ai chấp nhận nhượng bộ. Nga đặt lên bàn đàm phán những vấn đề liên quan đến “các khía cạnh chính trị, vấn đề phi quân sự hóa và đảm bảo trạng thái trung lập của Ukraine. Trong khi đó, phía Ukraine cho biết Kiev và Moscow có thể đạt được thỏa thuận về tất cả các vấn đề, “ngoại trừ tình trạng của Crimea và Donbass," tức là Ukraine sẽ không công nhận quy chế của những vùng này theo yêu cầu của Nga. Nhiều nhà quan sát nhận định, kết quả các cuộc đàm phán này rõ ràng còn để ngỏ bởi dù cả hai bên đều có thiện chí muốn thoát khỏi khủng hoảng nhưng đều giữ lập trường của mình.

Các nỗ lực ngoại giao tiếp tục được thúc đẩy

Trong bối cảnh những tổn thất do chiến sự cùng những tác động của vòng xoáy lệnh trừng phạt-đáp trả giữa Nga và phương Tây ngày càng tăng, các nỗ lực giải quyết tình hình bằng con đường ngoại giao đã và đang tiếp tục được các bên khẩn trương thúc đẩy.

Pháp và Đức tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt. Trong gần 2 tuần xảy ra xung đột, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã 4 lần điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về tình hình Ukraine. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn luôn cố gắng duy trì kênh liên lạc với các nhà lãnh đạo Nga. Giới chức hai quốc gia này cũng nhiều lần khẳng định phương Tây cần duy trì đối thoại với Nga và tháo gỡ những khúc mắc của Moscow về an ninh, gốc rễ của cuộc xung đột hiện nay. Các quốc gia khác như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia cũng thể hiện mong muốn đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Moscow và Kiev. Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong và những người đồng cấp từ các nước Mexico, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Australia (còn gọi là nhóm MIKTA) tuần này cũng tham dự một hội nghị trực tuyến nhằm thảo luận về tình hình Ukraine cũng như nỗ lực của nhóm vì một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.

Các nỗ lực ngoại giao mở cánh cửa đàm phán hòa bình Nga - Ukraine - ảnh 2

Đại diện phái đoàn Nga và Ukraine tại vòng đàm phán thứ ba ở Belovezhskaya Pushcha, Belarus ngày 7/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Liên hợp quốc cũng tích cực tiến hành nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, trong đó có các trưởng phái đoàn thường trực các nước tại Liên hợp quốc, nhất là Nga và Ukraine, để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Những tổn thất do chiến sự ngày một gia tăng và lan rộng khiến yêu cầu phải có một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột càng trở nên cấp bách, đặt ra sức ép với các nỗ lực ngoại giao. Khả năng sớm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn vẫn chưa rõ ràng, nhưng các diễn biến mới cho thấy cánh cửa vãn hồi hòa bình vẫn chưa khép lại. Với việc Nga và Ukraine đã ngồi vào bàn thương lượng, nhưng vẫn bảo lưu các quan điểm nên chưa đi tới được sự đồng thuận, do đó cộng đồng quốc tế hy vọng các nỗ lực đối thoại sẽ được đẩy mạnh hơn nữa nhằm hướng tới một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine, vì lợi ích của các bên liên quan cũng như vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của toàn thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác