(VOV5) - Sự phong phú và quy mô lớn của các lễ hội tôn giáo đã phần nào thể hiện quyền tự do tín ngưỡng được bảo hộ tối đa, để các tôn giáo thực sự hòa mình vào dòng chảy văn hóa dân tộc.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế thường niên năm 2019, trong đó có những thông tin sai thực tế, chưa được kiểm chứng về tình hình Việt Nam. Điều này khiến dư luận trong nước bất bình.
Các chức sắc tôn giáo khẳng định các tôn giáo ở Việt Nam đều được đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và bình đẳng trước pháp luật. Đồng bào các tôn giáo ở Việt Nam hướng về những giá trị sống chân, thiện mỹ, đã và có những đóng góp cho việc duy trì đạo đức xã hội, khơi dậy truyền thống nhân nghĩa, tương thân tương ái trong cộng đồng.
Các tổ chức tôn giáo góp phần làm nên thành công đẩy lùi đại dịch COVID-19 của cả nước. Ảnh: thanhuytphcm.vn |
Trong đại dịch Covid-19, nhân dân Việt Nam với các tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau, tất cả đều đồng lòng hưởng ứng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, tự nguyện dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tập trung đông người để ngăn chặn dịch lây lan. Không chỉ vậy, hàng chục triệu tín đồ tôn giáo trên cả nước đã chung sức đồng lòng cùng các cấp chính quyền và nhân dân tích cực huy động nguồn lực đóng góp cho công tác phòng, chống dịch. Các tổ chức, cá nhân của Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Phật giáo Hòa hảo, Cao Đài và nhiều tôn giáo khác, đã ủng hộ hàng chục tỉ đồng tiền mặt cùng nhiều nhu yếu phẩm, vật tư y tế có giá trị…góp phần làm nên thành công đẩy lùi đại dịch Covid-19 của cả nước.
Các tôn giáo phát triển bình đẳng và tự do
Bản báo cáo về Tự do tôn giáo của của Hoa Kỳ với những cáo buộc về việc đàn áp tôn giáo sai thực tế ở Việt Nam khiến dư luận bất bình. Bởi vì đất nước Việt Nam là đất nước đa tôn giáo, cũng là đất nước đảm bảo bình đẳng các tôn giáo. Tất cả các tôn giáo được hoạt động tự do, được bình đẳng trước pháp luật theo Hiến pháp của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, cho biết: “Đến giờ phút này tất cả các tôn giáo ở Việt Nam đều sống hòa mình trong cộng đồng. Nhất là trong dịp chống dịch vừa rồi, tất cả các tôn giáo đều hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, chính phủ về phòng chống dịch, cũng như xây dựng đất nước sau thời điểm chống dịch. Các tôn giáo đều sống trong tình bầu bạn với các tôn giáo với nhau và cùng cộng đồng với nhân dân, không có vấn đề gì là đàn áp tôn giáo, hay một vấn đề gì về tôn giáo ở Việt Nam nổi cộm. Kể cả tín ngưỡng cho đến tôn giáo đều được nhà nước bảo hộ theo pháp luật.”
Với sự phong phú của đất nước đa tôn giáo, mỗi năm Việt Nam có trên dưới 1 vạn lễ hội lớn nhỏ liên quan tới tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng của nhiều tôn giáo khác nhau. Các lễ hội này thu hút không chỉ các tín đồ tôn giáo mà đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Hàng năm người dân đều trông chờ tới các dịp lễ hội đền Hùng, Giáng Sinh, Phật đản, Đại lễ Chí Đức Tôn, Lễ hội Quán Thế âm, Lễ hội Chol Chnam Thmay, Lễ hội Katê và nhiều lễ hội khác. Sự phong phú và quy mô lớn của các lễ hội tôn giáo đã phần nào thể hiện quyền tự do tín ngưỡng được bảo hộ tối đa, để các tôn giáo thực sự hòa mình vào dòng chảy văn hóa dân tộc.
Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo được đảm bảo trên thực tế
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân Việt Nam được hiến định trong tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam, đặc biệt trong Hiến pháp năm 2013. Quyền này một lần nữa được khẳng định và được cụ thể hóa trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Trong đó quy định rõ mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Mọi công dân đều có quyền bày tỏ niềm tin, tín ngưỡng tôn giáo, thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo.Thực tế thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đánh dấu một bước phát triển mới trong công tác bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân.
Bà Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết: Hiện nay thì quá trình thực hiện giám sát của các cơ quan của Quốc hội cũng như đại biểu quốc hội, không có việc gì xảy ra đối với các quy định trong luật. Thậm chí đến giờ phút này ở nhiều các địa phương là cũng có những nhóm hoạt động trước đây họ đã thực hiện việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo. Ở một số địa phương miền núi trước đây là không có tôn giáo nào nhưng quá trình phát triển của xã hội, có việc họ tập trung lại để thực hiện tôn giáo của mình. Trên cơ sở đó, chính quyền các địa phương đã thực hiện hướng dẫn bà con để đăng ký hoạt động theo đúng pháp luật Việt Nam, họ đã tiến hành đăng ký hoạt động và không xảy ra vấn đề gì.”
Với vai trò là đại biểu Quốc hội, ông Lê Thanh Vân chia sẻ trong suốt 2 nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội, ông chưa nhận được ý kiến than phiền nào của người dân về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hay việc đàn áp tín ngưỡng, tôn giáo:
“Vấn đề tôn giáo khi mà lấy tiêu chuẩn của nước này để áp đặt, nhìn nhận với nước khác đấy là điều không nên. Ở Việt Nam từ Hiến pháp đến các luật đều bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn trọng các quyền tham gia tôn giáo của người dân. Trên thực tế, mọi người đều thấy pháp luật về bảo đảm quyền sinh hoạt tôn giáo của người Việt diễn ra rất bình thường. Không có ai kêu ca là không phù hợp hay vi phạm các quy định của các hiến chương mà Việt Nam tham gia cả.”
Cùng với từng giai đoạn lịch sử, các tôn giáo ngày càng gắn liền và đồng hành cùng dân tộc đã và đang tiếp tục góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giáo lý của các tôn giáo cũng lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, hòa quyện giữa đạo và đời, hướng về những giá trị sống chân, thiện mỹ, đóng góp cho việc duy trì đạo đức xã hội, nhân nghĩa, tương thân tương ái trong cộng đồng. Nêu ra những nhận định sai thực tế về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam chỉ là hành động thiếu thiện chí, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, đi ngược lại xu hướng đoàn kết, hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc.