(VOV5) - Cải cách hành chính là một trong những khâu đột phá chiến lược để phát triển kinh tế, xã hội.
Trong thời gian qua, nhờ đẩy mạnh cải cách hành chính, Việt Nam đã nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khơi dậy và huy động nhiều nguồn lực cho phát triển đất nước. Tiếp đà này, năm nay, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn |
Năm 2022 và một tháng đầu của năm nay, công tác cải cách hành chính có những đóng góp tích cực trong thành công chung của cả nước. Việc triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính năm nay sẽ góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Những điểm sáng trong cải cách hành chính năm 2022
Báo cáo Tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2022, tại phiên họp thứ 3 Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ ngày 3/2, tại Hà Nội, cho thấy năm 2022, công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Việt Nam đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1 nghìn quy định kinh doanh. Cả nước thành lập 11.700 bộ phận Một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, trong đó có 56/63 địa phương tổ chức theo mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. 100% bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và đưa vào vận hành cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Cơ bản hoàn thành tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thủ tướng chủ trì Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Kết quả cải cách hành chính đã tạo tiền đề, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ trên nhiều lĩnh vực trong phát triển kinh tế - xã hội, năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế toàn cầu hóa. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đã có sự đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học, công nghệ; phát huy vai trò, hiệu quả của các tổ chức khoa học, công nghệ chủ lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng điểm, thông qua đó, nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam so sánh với các quốc gia trên thế giới. Trong báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới công bố tháng 9/2022 tại Geneva (Thụy Sỹ), chỉ số trụ cột Thể chế đã có cải thiện đáng chú ý, tăng 32 bậc, từ thứ hạng 83 năm 2021 lên 51 năm 2022, trên tổng số 132 nền kinh tế.
2023: năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới
Năm nay, Chính phủ xác định là năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. Theo đó, Việt Nam phải xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia để phục vụ ngày càng tốt hơn người dân, doanh nghiệp, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương mình. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Đẩy mạnh cải cách hành chính sẽ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; giảm công sức, thời gian của công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ; góp phần phòng chống tham nhũng tiêu cực; giảm chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh; làm cho môi trường hệ sinh thái hành chính trong sạch, lành mạnh. 5 ý nghĩa rất quan trọng như vậy nên chúng ta phải tiếp tục làm".
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trọng tâm là cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Bộ Công an cần phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, cần hoàn thành trong quý I năm nay. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử….
Mục tiêu chính của cải cách hành chính là xây dựng một nền hành chính dân chủ, hiện đại, đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực để quản lý có hiệu lực, hiệu quả các công việc của Nhà nước, làm đòn bẩy hữu hiệu để phát triển kinh tế. Việc triển khai tốt cải cách hành chính cũng sẽ góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.