(VOV5) - Vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công sân bay quân sự ở Syria bằng tên lửa hành trình Tomahawk, quân đội Mỹ cũng bắt đầu có một số động thái quân sự gửi tới CHDCND Triều Tiên.
Đây được cho là lời cảnh báo của Washington trước việc Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi việc phát triển vũ khí hạt nhân. Động thái của Mỹ làm dấy lên mối lo ngại trong cộng đồng quốc tế về khả năng xảy ra xung đột trên biển hoặc trên không giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên.
|
Tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ áp sát Triều Tiên (Ảnh: TTXVN) |
Nguyên nhân Mỹ đưa các chiến hạm đến bán đảo Triều Tiên là do Bình Nhưỡng liên tục có động thái thử tên lửa, hạt nhân trong thời gian gần đây. Khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/2, CHDCND Triều Tiên bắn một loạt tên lửa trong đó có nhiều quả rơi xuống khu vực đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Donald Trump, CHDCND Triều Tiên cũng bắn thử tên lửa vào ngày 5/4. Do đó, ông Donald Trump điều một loạt chiến hạm, trong đó có cả tàu sân bay đến khu vực bán đảo Triều Tiên.
Liên tiếp điều tàu chiến đến khu vực bán đảo Triều Tiên
Mỹ đang thể hiện sự cứng rắn trong chính sách với CHDCND Triều Tiên. Ngày 8/4, Hải quân Mỹ đã gửi một nhóm tàu tấn công do tàu sân bay dẫn đầu tới Bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (USPC), Trung tá Dave Benham cho biết đây là một biện pháp thận trọng nhằm duy trì sự hiện diện và sẵn sàng của Mỹ tại phía Tây Thái Bình Dương trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên tiếp tục là mối đe dọa trong khu vực vì các vụ thử tên lửa gây mất ổn định của nước này cũng như hành động tiếp tục theo đuổi năng lực về vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trước khả năng CHDCND Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân vào hôm 15/4 (dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành), Không quân Mỹ đã đưa máy bay “săn hạt nhân” WC-135 Constant Phoenix tới căn cứ không quân Kadena (tỉnh Okinawa). WC-135 là máy bay chuyên phát hiện phóng xạ, thu thập mẫu vật trên không và mảnh vỡ sau các vụ nổ hạt nhân.
Cùng với các động thái điều tàu sân bay, tàu tấn công tới bán đảo Triều Tiên, lập trường của Washington cũng được ông chủ Nhà Trắng tuyên bố rõ trên trang Twitter ngày 11/4 với khẳng định Washington sẵn sàng tự giải quyết "vấn đề" Triều Tiên. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer không loại trừ khả năng các biện pháp quân sự được triển khai như một sự “răn đe” đối với động thái của Bình Nhưỡng gia tăng hoạt động phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân.
Phản ứng trước các động thái trên từ Mỹ, Bình Nhưỡng tuyên bố sẵn sàng tình huống chiến tranh. CHDCND Triều Tiên gọi động thái điều tàu sân bay của Mỹ là “hành động khiêu khích” và cảnh báo sẽ “sử dụng những vũ khí mạnh mẽ” để bảo vệ đất nước. Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 11/4 thậm chí còn tuyên bố nước này sẽ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào về sự gây hấn; quân đội CHDCND Triều Tiên đang theo dõi chặt chẽ tất cả các động thái từ đối phương và lực lượng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên tập trung vào các căn cứ Mỹ không chỉ ở Hàn Quốc và Thái Bình Dương mà còn ở cả lục địa Mỹ.
|
ỳ họp của Quốc hội Triều Tiên (Ảnh: Yonhap/TTXVN) |
Xung đột liệu có xảy ra?
Tuy cuộc tấn công Syria là một lời cảnh báo gián tiếp đối với Bình Nhưỡng không nên vượt qua giới hạn đỏ nhưng thực tế sẽ khó có chuyện Mỹ tấn công CHDCND Triều Tiên như tấn công Syria. Theo giới phân tích, CHDCND Triều Tiên không phải Iraq năm 2003 cũng không phải Syria hiện nay. Nếu những cái đầu nóng ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc "bật đèn xanh" cho cuộc xung đột, dồn chính quyền Bình Nhưỡng vào chân tường thì ông Kim Jong-un có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Vì vậy, giới chức Mỹ chắc chắn sẽ phải cân nhắc tránh để xung đột xảy ra.
Ngoài ra, Mỹ cũng cần tính tới phản ứng của dư luận quốc tế. Trong cuộc điện đàm về tình hình Triều Tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ Trung Quốc kiên định theo đuổi hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, theo đó nhấn mạnh rằng căng thẳng trên bán đảo này phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình. Ngay cả Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 9/4 cũng để ngỏ cánh cửa hòa bình khi tuyên bố nước này có thể nghĩ đến việc mở lại đàm phán nếu Bình Nhưỡng ngừng các hoạt động thử tên lửa và hạt nhân. Mục tiêu của Mỹ là phi hạt nhân hóa Triều Tiên chứ không phải là thay đổi chính quyền Bình Nhưỡng.
Quan hệ giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên ngày càng căng thẳng sau khi 2 bên có những động thái tăng khả năng xảy ra xung đột trên biển hoặc trên không. Tuy nhiên dư luận vẫn hy vọng Mỹ và CHDCND Triều Tiên không vượt qua giới hạn đỏ, tránh một cuộc xung đột vũ trang có yếu tố hạt nhân.