(VOV5) - Trong khi chính quyền Catalonia ký văn bản tuyên bố độc lập, dù hoãn thi hành để tìm kiếm cơ hội đối thoại, thì chính phủ trung ương Madrid tỏ ra không hề nhượng bộ.
Chính quyền Tây Ban Nha ra tối hậu thư cho Catalonia, bắt giam thủ lĩnh của tổ chức đòi độc lập vùng Catalonia, sử dụng “bàn tay thép” để ngăn chặn phong trào ly khai…Tất cả những diễn biến này ở Tây Ban Nha đang đẩy mâu thuẫn giữa chính quyền Trung ương với vùng đòi quyền tự trị Catalonia lên một nấc thang nguy hiểm mới, chưa có lối thoát.
Ảnh minh họa: Cảnh sát ngăn dòng người tuần hành kêu gọi trưng cầu dân ý về độc lập vùng Catalunya trên quảng trường Puerta del Sol ngày 1/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)
|
Mọi nỗ lực đàm phán vẫn đang diễn ra song chưa đủ để hàn gắn những chia rẽ, bất đồng. Trong khi chính quyền Catalonia ký văn bản tuyên bố độc lập, dù hoãn thi hành để tìm kiếm cơ hội đối thoại, thì chính phủ trung ương Madrid tỏ ra không hề nhượng bộ, yêu cầu một câu trả lời rõ ràng rằng "có hoặc không" việc tuyên bố độc lập.
Tối hậu thư tước quyền tự trị
Thời hạn chót mà Madrid đưa ra cho Catalonia là trong ngày hôm nay (19/10), lãnh đạo vùng này phải trả lời rõ ràng câu hỏi “có hay không” việc tuyên bố độc lập, tách khỏi Tây Ban Nha. Nếu câu trả lời không thỏa đáng, Catalona sẽ đối mặt hậu quả nghiêm trọng, theo đó Tây Ban Nha sẽ kích hoạt điều 155 của hiến pháp, cho phép Madrid áp đặt thẩm quyền trực tiếp lên vùng tự trị Catalonia, tổ chức bầu cử tại khu vực này.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu khi Catalonia tổ chức trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Tây Ban Nha hôm 1/10, bất chấp bị Madrid phản đối. Dựa trên kết quả trưng cầu dân ý ngày 1/10, trong phiên họp nghị viện Catalonia ngày 10/10, lãnh đạo Catalonia đã ký tuyên bố tách khỏi Tây Ban Nha, nhưng hoãn thi hành. Trước tuyên bố của Catalonia, chính quyền Trung ương nhiều lần yêu cầu lãnh đạo vùng này phải có câu trả lời rõ ràng, rằng “có hay không” với quyết định ly khai. Tuy nhiên, thay vì trả lời dứt khoát, lãnh đạo Catalonia chỉ kêu gọi hai tháng dành cho đối thoại, đồng thời đề nghị Madrid dừng mọi sự đàn áp ở Catalonia. Sự đàn áp mà lãnh đạo Catalonia nhắc đến chính là vệc Tòa án tối cao Tây Ban Nha hôm 16/10 ra lệnh tống giam thủ lĩnh của hai tổ chức đòi độc lập lớn nhất vùng Catalonia với lý do điều tra tội xúi giục nổi loạn. Điều này dấy lên các cuộc biểu tình, tuần hành lớn tại Catalonia trong mấy ngày qua, gây bất ổn nghiêm trọng trong khu vực.
Ảnh minh họa: Các nghị sĩ biểu quyết tại phiên họp của Cơ quan lập pháp vùng Catalonia ở Barcelona ngày 6/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)
|
Nguồn gốc của mâu thuẫn
Nhìn lại quá khứ, mâu thuẫn giữa chính quyền Trung ương Tây Ban Nha với Catalonia thực tế có từ cách đây hơn ba thế kỷ, khi vua Philip V của Tây Ban Nha chiếm Barcelona vào năm 1714. Năm 1932, các lãnh đạo khu vực tuyên bố thành lập Cộng hòa Catalonia. Chính phủ Tây Ban Nha đã đồng ý để Catalonia trở thành vùng tự trị. Catalonia mất quyền tự trị vào năm 1939 dưới thời lãnh đạo mới của Tây Ban Nha và cuộc đấu tranh đòi độc lập được khởi động âm ỉ từ đó đến giờ. Năm 2006, Catalonia có bước tiến lớn khi đàm phán với Madrid về một đặc quyền, đòi công nhận vùng này là "quốc gia". Tuy nhiên, năm 2010, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha ra phán quyết bác yêu cầu trên, khiến những tiếng nói đòi độc lập càng bùng lên mạnh mẽ.
Là khu vực giàu có với mức độ công nghiệp hóa cao nhất ở Tây Ban Nha, lại có thêm những địa điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng, dù chỉ chiếm 6% lãnh thổ Tây Ban Nha và 16% dân số, song Catalonia đóng góp tới 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Chính điều này giúp Catalonia nắm trong tay nhiều đặc quyền hơn so với các khu vực khác ở Tây Ban Nha. Trong cơn bão nợ công của Châu Âu cùng những khó khăn của khu vực mấy năm gần đây, những tiếng nói đòi ly khai càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Catalonia phàn nàn rằng họ đóng lượng thuế lớn cho chính quyền Tây Ban Nha nhưng được nhận lại không tương xứng.
Lối rẽ nào cho Catalonia?
Theo các nhà phân tích, bất kể diễn biến sắp tới ra sao thì phía trước Catalonia là cả một chặng đường dài khó khăn. Nếu kiên quyết ly khai, kết quả trưng cầu dân ý hay bất kỳ cuộc bỏ phiếu độc lập nào ở quốc hội Catalonia chắc chắn sẽ không bao giờ được Tây Ban Nha công nhận. Điều này kéo theo những sự bất ổn, hỗn loạn khi các cuộc biểu tình lớn sẽ nổ ra. Trên thực tế, tuyên bố độc lập rất khó khả thi bởi nhiều người Catalonia phản đối ly khai không muốn bỗng dưng bị đổi quốc tịch. Các chính phủ nước ngoài và tổ chức quốc tế nhiều khả năng không công nhận tuyên bố độc lập, biến Catalonia thành quốc gia bị bỏ rơi trong lòng châu Âu. Còn nếu kịch bản ly khai không xảy ra, Catalonia hủy bỏ trưng cầu dân ý, rất có thể chính quyền Trung ương phải thỏa hiệp một số điều khoản, trao cho họ quyền tự trị lớn hơn, trong đó có khả năng Catalonia được quyền kiểm soát các khoản thuế địa phương. Điều này cũng gây ra những bất ổn mới khi có sự chênh lệch không đồng đều giữa các khu vực của Tây Ban Nha, tạo tiền lệ xấu cho mầm mống chia rẽ trong nội bộ xã hội.
Sau 5 thế kỷ Catalonia cùng tồn tại trong lòng Tây Ban Nha, Catalonia đang đi những nước cờ mạo hiểm với việc tuyên bố độc lập của mình. Đàm phán, thỏa hiệp, tìm ra giải pháp tạm chấp nhận được giữa hai bên là điều cần thiết hiện nay. Bởi cho dù rẽ theo lối nào, chia tay hay không chia tay, cũng đều để lại những hậu quả khó lường, buộc các bên phải tính toán thật kỹ lưỡng.