Chặn nguồn tài chính, cuộc chiến quan trọng trong chiến lược chung chống khủng bố

(VOV5) - Buôn bán vũ khí, buôn người, thuốc phiện, bắt cóc con tin đòi tiền chuộc, bán dầu mỏ ở các vùng chiếm đóng, rút trộm tiền từ các tài khoản ngân hàng... đây chính là những nguyên nhân tạo nên nguồn tài chính dồi dào cho IS.


Chiến dịch chống lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm khủng bố, cực đoan đang bước vào giai đoạn dồn dập và được nhiều quốc gia trên thế giới chung sức. Bên cạnh các cuộc không kích, tấn công trực tiếp, một phần quan trọng trong chiến lược chung chống khủng bố là cắt đứt mạch máu tài chính của IS, từ đó có thể diệt tận gốc tổ chức khủng bố này.


Chặn nguồn tài chính, cuộc chiến quan trọng trong chiến lược chung chống khủng bố - ảnh 1
Ảnh: doanhnhansaigon.vn

Buôn bán vũ khí, buôn người, thuốc phiện, bắt cóc con tin đòi tiền chuộc, bán dầu mỏ ở các vùng chiếm đóng, rút trộm tiền từ các tài khoản ngân hàng... đây chính là những nguyên nhân tạo nên nguồn tài chính dồi dào cho IS. Ước tính, ngân sách 2015 của IS khoảng 2 tỷ USD. Nguồn tài chính khổng lồ này giúp IS, mặc dù chỉ là một tổ chức tự phong, có thể kiểm soát cả một vùng đất rộng lớn, đương đầu với cả những cường quốc và đang thực sự là mối đe dọa lớn của toàn thế giới.

Sức mạnh tàn bạo và tiềm lực kinh tế mạnh

Những vụ đánh bom, tấn công đẫm máu, những vụ bắt cóc và hành quyết con tin lạnh lùng thời gian qua cho thấy ảnh hưởng của IS đang tác động trực tiếp đến an ninh toàn cầu, vượt trên bất cứ tổ chức cực đoan nào khác từ trước tới nay về mức độ tàn bạo và quyết đoán. IS còn được biết đến là tổ chức có tiềm lực kinh tế mạnh. Với 8 điểm khai thác dầu tại Iraq và Syria, theo ước tính, với mức bán 30-40 USD/thùng dầu thô thì mỗi ngày IS thu về từ 1-2 triệu USD. Nguồn thu đáng kể nữa của IS là bán các cổ vật chúng tìm được trên lãnh thổ chiếm giữ trái phép. Bên cạnh đó, IS còn thu thuế của người dân thuộc lãnh thổ mà chúng kiểm soát và nhiều nguồn thu khác từ tiền chuộc bắt cóc con tin, nguồn tài trợ từ các cá nhân, tổ chức khác. Có tiền nên các nhóm khủng bố đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng thông qua việc chi khá nhiều tiền cho việc tuyển mộ tân binh, mua chuộc những người Hồi giáo phương Tây. Do vậy, tuy chỉ là một tổ chức tự phong nhưng IS đang thực sự là mối lo ngại lớn của cộng đồng quốc tế. Những vụ tấn công khủng bố ở Paris vừa qua đã cho thấy mức độ đào tạo bài bản và lên kế hoạch cẩn thận từ trước của tổ chức này. Và các hoạt động này không thể tiến hành được nếu thiếu nguồn tài chính.

Trên thực tế, không phải cho đến lúc này cộng đồng quốc tế mới bắt đầu tính đến chuyện ngăn chặn nguồn tài chính của lực lượng khủng bố, mà 14 năm qua kể từ khi xảy ra vụ tấn công 11/9/2001 ở Mỹ, cộng đồng quốc tế đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có các nghị quyết mạnh mẽ của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chia sẻ thông tin tài chính, rào cản của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa thành công do thiếu một cơ chế hợp tác chung.

Xây dựng chiến lược toàn cầu về cắt nguồn cung tài chính của khủng bố

Nhận thức được sự nguy hiểm của dòng tiền bẩn này, các nhà lãnh đạo trên thế giới đang ráo riết hợp tác tìm cách ngăn chặn nguồn hỗ trợ tài chính cho khủng bố bằng việc tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, đóng băng các tài sản khủng bố. Mỹ bắt đầu mở rộng không kích các cơ sở dầu mỏ, nguồn thu chính của IS. Tính chung trong vòng gần 1 tháng qua, chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu đã phá hủy hơn 400 xe tải chở dầu, phá hủy 3 cơ sở lọc dầu của Syria do IS kiểm soát. Trong khi đó, Liên minh Châu Âu (EU) cũng đang lên kế hoạch thực hiện một chiến dịch truy quét các hình thức thanh toán ẩn danh và tiền ảo. Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây cũng vừa ký sắc lệnh thành lập ủy ban ngăn chặn nguồn tài chính của các nhóm khủng bố. Theo đó, văn phòng tổng công tố viên, ngân hàng trung ương và các chính quyền khu vực được yêu cầu phải đệ trình ủy ban này mọi thông tin thu thập được về các hành động khả nghi có liên quan đến khủng bố. Dựa trên những thông tin đó, Nga sẽ tìm cách đóng băng tài sản của các nhóm khủng bố. Tại Hội nghị G20 vừa diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà lãnh đạo nhất trí thiết lập một cơ chế hợp tác toàn cầu nhằm chia sẻ thông tin tình báo, theo dõi các cửa khẩu biên giới và tăng cường an ninh hàng không để ngăn chặn khủng bố di chuyển từ nước này sang nước khác. Các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới cam kết hợp tác chống chủ nghĩa bạo lực cực đoan, chiêu mộ tay súng và ngăn ngừa những kẻ khủng bố sử dụng công nghệ, trong đó có Internet, vốn là công cụ để trực tiếp hoặc gián tiếp khuyến khích khủng bố, kích động các hành vi khủng bố và ca ngợi bạo lực. Đồng thời, các định chế tài chính toàn cầu xây dựng những biện pháp cụ thể và mạnh mẽ hơn trong việc quản lý nguồn tiền và dòng chảy của tiền qua các ngân hàng, tổ chức xã hội và tổ chức từ thiện.

Theo các nhà phân tích, cuộc chiến ngăn chặn nguồn tài chính của khủng bố IS cũng cam go, ác liệt không kém các cuộc không kích, tấn công trực tiếp vào IS. Bởi, để phá vỡ tài chính của một tổ chức không tích hợp với thế giới bên ngoài, không có giao dịch thương mại với bên ngoài là không hề đơn giản. Vì vậy, cuộc chiến này đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực hợp tác lâu dài của cả cộng đồng quốc tế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác