Chất vấn nghị trường nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội

(VOV5) - Chất vấn là một phần trong chức năng giám sát tối cao của Quốc hội. Trong lịch sử 70 năm Quốc hội Việt Nam, hoạt động chất vấn đã để lại nhiều dấu ấn của không khí dân chủ và đổi mới, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của Quốc hội, giúp Quốc hội ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. 

Cùng với việc thực hiện chức năng lập pháp và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, hoạt động giám sát tối cao trong đó có chất vấn, là 3 nhiệm vụ của Quốc hội Việt Nam. 

Chất vấn nghị trường nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội      - ảnh 1


Phiên chất vấn đầu tiên: dân chủ, thẳng thắn

Buổi chất vấn đầu tiên của Quốc hội Việt Nam diễn ra ngày 31/10/1946, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I. Không khí dân chủ, thẳng thắn bao trùm sự kiện này. Ngoài các đại biểu Quốc hội, người dân đến dự thính buổi họp Quốc hội chật kín hai tầng gác Nhà Hát Lớn để chứng kiến một cảnh tượng chưa từng có trong lịch sử Việt Nam: các đại biểu của nhân dân đứng lên chất vấn các Bộ trưởng, đặc biệt là chờ đợi Hồ Chủ tịch trả lời chất vấn.  Hơn 80 câu hỏi được đặt ra cho người đứng đầu Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Ngay tại phiên chất vấn đầu tiên, nhiều vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân đã được đề cập như kiểm soát giá và chất lượng thuốc, chậm và thiếu sách giáo khoa...Một điều ấn tượng là phiên trả lời chất vấn đã theo đúng phương châm “làm hết việc, không làm hết giờ”, kéo dài từ chiều đến nửa đêm. Phiên họp Quốc hội kết thúc lúc 1 giờ sáng. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: "Việc chất vấn được thực hiện nghiêm túc trong không khí  thực sự dân chủ của quốc gia mới giành được độc lập.Ngay tại phiên chất vấn đầu tiên này, người đứng đầu Chính phủ (Chủ tịch Hồ Chí Minh) trả lời chất vấn. Nhận xét chung về những vấn đề các đại biểu chất vấn, Chủ tịch Hồ Chí  Minh cho rằng Quốc hội đặt những câu hỏi thật già dặn, đề cập tới tất cả các vấn đề có quan hệ tới vận mệnh nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị, sự quan tâm về việc nước ấy ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập".

Hoạt động chất vấn liên tục được đổi mới, hướng tới xu thế nghị trường hiện đại

Kể từ phiên chất vấn đầu tiên, sau thời gian dài gián đoạn do nhiều nguyên nhân, trong đó có chiến tranh, hoạt động chất vấn đã xuất hiện trở lại ở Quốc hội khóa VIII (1987 - 1992). Đến kỳ họp giữa năm 1994 Quốc hội khóa IX, lần đầu tiên hoạt động chất vấn được phát thanh và truyền hình trực tiếp. Đây được coi là một trong những bước đột phá trong việc công khai, minh bạch hoạt động của Quốc hội. Từ đó đến nay, các phiên chất vấn đã trở thành một trong những nội dung được cử tri quan tâm và theo dõi nhất trong mỗi kỳ họp. Để nâng cao hiệu quả của việc chất vấn, từ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, lần đầu tiên sau chất vấn, Quốc hội đã ra Nghị quyết về chất vấn, chỉ rõ những việc mà người trả lời chất vấn phải thực hiện và báo cáo với Quốc hội ở kỳ họp tiếp theo.


Đại biểu Quốc hội cũng thực hiện quyền chất vấn với mong muốn đi đến cùng vấn đề đặt ra. Người có nghĩa vụ trả lời chất vấn có ý thức hơn trong việc nâng cao năng lực và trách nhiệm trước nhân dân và trước Quốc hội. Vì thế, dân chủ trong hoạt động chất vấn của Quốc hội đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước tại kỳ họp đã trở thành phương tiện hữu hiệu để nhân dân (thông qua người đại biểu của mình) kiểm soát quyền lực Nhà nước đối với những người đứng đầu bộ máy Nhà nước, nhất là bộ máy hành pháp. Thống kê cho thấy, tại mỗi kỳ họp, số câu hỏi (chất vấn) được gửi trước ở khóa XI từ 150 đến 210 câu, ở khóa XII, XIII là từ 220 đến 300 câu. Nội dung đề cập nhiều vấn đề quốc kế dân sinh.


Riêng tại Quốc hội khóa XIII, hoạt động chất đã đổi mới mạnh mẽ. Lần đầu tiên tại Quốc hội, phiên chất vấn không còn là diễn đàn của 4-5 Bộ trưởng, Trưởng ngành mà mọi thành viên Chính phủ đều có thể được chất vấn nhằm thực hiện chủ trương chất vấn đến cùng các vấn đề Quốc hội quan tâm. Người được chất vấn không biết trước câu hỏi, không được chuẩn bị trước và phải trả lời tại chỗ. Đây cũng là phong cách nghị trường hiện đại được nhiều quốc gia áp dụng, khiến hoạt động chất vấn ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, trở thành lĩnh vực hấp dẫn nhất trong hoạt động của Quốc hội. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá: "Kỳ họp thứ 10 vừa qua đã chứng kiến những đổi mới trong hoạt động chất vấn với việc các ĐBQH có thể chất vấn toàn bộ các thành viên Chính phủ một cách tổng thể về những các cam kết của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội trong suốt nhiệm kỳ. Điều này thể hiện sự tiếp nối những thành công trong hoạt động của Quốc hội trước đây trong bối cảnh hiện nay".


Kể từ phiên chất vấn cách đây gần 70 năm, đến nay, hoạt động chất vấn đã trở thành điểm nổi bật trong hoạt động Quốc hội. Việc đổi mới chất vấn cả về nội dung, hình thức khiến Quốc hội hoạt động ngày càng thực chất, hiệu quả, xứng đáng với vị trí và vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.

Phản hồi

Các tin/bài khác