Chạy đua sản xuất tên lửa: Nguy cơ tiềm ẩn ở Nam Á

(VOV5) - Việc Ấn Độ và Pakistan cùng lúc tiến hành nhiều vụ thử thành công tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đã dấy lên mối lo ngại mới cho cộng đồng quốc tế. Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên hai quốc gia láng giềng ở Nam Á này tiến hành các vụ thử tên lửa, nhưng với tần suất ngày một nhiều các vụ thử trong thời gian gần đây, thêm vào đó mỗi khi nước này thử tên lửa tầm xa hơn, mạnh hơn, thì nước kia cũng tuyên bố thử tên lửa tương đương. Chính điều đó đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. 


Chạy đua sản xuất tên lửa: Nguy cơ tiềm ẩn ở Nam Á - ảnh 1
Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos mới được Ấn Độ thử thành công. (Ảnh: vtc.vn)


Ngày 19/9, quân đội Ấn Độ thông báo cho biết, từ bãi phóng trên đảo Wheeler, ngoài khơi bờ biển Odisha, nước này đã phóng thử thành công tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni-IV. Đây là vụ thử tên lửa Agni-IV lần thứ 3 của Ấn Độ. Theo đó, tên lửa đất đối đất Agni-IV, có tầm bắn 4.000 km là loại tên lửa có tầm bắn xa nhất của Ấn Độ. Agni-IV được thiết kế để mang được trọng tải 1.000kg, bệ phóng được trang bị lá chắn nhiệt giúp đầu tên lửa có thể chịu được nhiệt độ hơn 3.000 độ C. Sau vụ thử này, vào ngày hôm nay, Bộ chỉ huy các lực lượng chiến lược Ấn Độ và các nhà khoa học của Tổ chức nghiên cứu và phát triển Quốc phòng Ấn Độ cũng đang chuẩn bị vụ thử đầu tiên tên lửa hành trình dưới tốc độ âm thanh Nirbhay, có tầm xa 1.000 km và có thể phóng từ các bãi phóng đa năng. Trước đó, hồi cuối tháng 8/2012, Ấn Độ đã bắn thử thành công tên lửa đất đối đất "Prithvi-II" có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Đây là loại tên lửa đầu tiên do Ấn Độ chế tạo và cũng là một trong 5 loại tên lửa được phát triển theo Chương trình phát triển tên lửa dẫn đường liên hợp của quốc gia Nam Á này. Còn vào những ngày đầu tháng 8/2012, New Delhi đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Agni-II, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và với tầm bắn hơn 2.000 km.

Vụ phóng thử tên lửa hạt nhân này sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như nó không diễn ra chỉ 48 tiếng sau khi Pakistan tuyên bố thử thành công tên lửa hành trình Hatf-VII có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Mặc dù, từ hai phía không bên nào thừa nhận có cuộc chạy đua vũ trang mới, nhưng việc ngay sau vụ thử của nước này thì quốc gia láng giềng lại tiến hành các vụ thử tương tự, làm thế đối trọng, chính điều đó đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại về một cuộc đua ngầm vũ khí hạt nhân đang diễn ra tại Nam Á.

Trên thực tế, Pakistan và Ấn Độ đều là hai cường quốc hạt nhân tại khu vực. Hai nước cũng chưa ký vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Kể từ sau khi hai bên tuyên bố có khả năng vũ khí hạt nhân, vào năm 1998, các vụ thử đã được tiến hành, nhưng thời gian gần đây, nó diễn ra với tần suất ngày một nhiều. Mặc dù, thời gian này, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đang được cải thiện, hai bên đang có nhiều cuộc đối thoại mang tính xây dựng, nhưng từ các vụ việc vừa diễn ra, dư luận cho rằng, lòng tin từ cả hai phía vẫn chưa được tạo dựng trọn vẹn. Cụ thể như hồi trung tuần tháng 9 này, báo chí Ấn Độ dẫn báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết, việc Pakistan cải thiện số lượng và chất lượng kho vũ khí hạt nhân, đồng thời mở rộng các tình huống có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, trước hết là để đối phó với Ấn Độ. Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho rằng, kho vũ khí hạt nhân của Pakistan hiện có ít nhất 90 đến 110 đầu đạn hạt nhân. Và đây là mối bận tâm lớn cho cộng đồng quốc tế.

Nhìn lại quá khứ, quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này đã không "thuận buồm xuôi gió". Kể từ khi độc lập năm 1947 đến nay, hai bên đã trải qua 3 cuộc chiến tranh cục bộ. Sóng gió đã tạm lắng, tuy nhiên, các vụ thử tên lửa, cuộc chạy đua vũ trang đã được thổi bùng sau khi Ấn Độ, ngày 19/4, phóng thử một tên lửa tầm xa, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, đã dấy lên mối lo ngại của Islamabad. Ngay sau đó, chỉ trong vòng 1 tháng, quân đội Pakistan đã tiến hành thành công 4 vụ thử tên lửa hành trình tầm trung, khẳng định những tiến bộ mà nước này đạt được trong lĩnh vực quân sự. Cụ thể như đạt khả năng cân bằng chiến lược trên bộ và trên biển, với "công nghệ hành trình" hết sức tinh vi mà chỉ một vài nước trên thế giới phát triển được. Vấn đề ở đây, câu hỏi được đặt ra rằng, đằng sau các vụ thử đó, có hay không sự bảo trợ của các nước lớn? Câu trả lời này còn để ngỏ, nhưng theo giới phân tích, việc Washington và New Delhi tăng cường quan hệ và Ấn Độ đang dần trở thành một đồng minh và đối tác lớn của Mỹ tại khu vực Nam Á đã không nhận được sự mặn mà của Islamabad.

Lo ngại về tình hình có thể xảy ra xung đột, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đưa ra kêu gọi Ấn Độ và Pakistan cần tiếp tục cuộc đối thoại về an ninh và hòa bình khu vực nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho mối quan hệ đã được cải thiện giữa hai nước. Hiện tại, mối quan hệ giữa New Delhi và Islamabad đã đạt được một số kết quả nhất định. Hồi đầu tháng 9 này, trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Ấn Độ Somanahalli Mallaiah Krishna khi tới thăm Islamabad, Thủ tướng Pakistan Pervez Ashraf bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ Ấn Độ - Pakistan sẽ được cải thiện và đi theo con đường mà hai bên đã chọn. Hai bên đã xác định 8 lĩnh vực hợp tác song phương, trong đó có nông nghiệp, du lịch giáo dục, khoa học-công nghệ, công nghệ thông tin và thông tin liên lạc. Ấn Độ và Pakistan cũng nhất trí xem xét các biện pháp xây dựng lòng tin qua Tuyến kiểm soát trên biên giới và thừa nhận thỏa thuận ngừng bắn dọc giới tuyến này đã được ký năm 2003, vẫn được tôn trọng và đồng ý sẽ tăng lưu lượng đi lại và buôn bán qua Tuyến kiểm soát này, coi đó như một phần của nỗ lực tăng cường xây dựng lòng tin giữa hai nước. Dư luận hy vọng, những tiến triển đó sẽ giúp xóa đi gánh nặng về một nguy cơ tiềm ẩn đang trỗi dậy ở khu vực./.

Phản hồi

Các tin/bài khác