(VOV5) - Cuối tuần qua, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Raphel Grossi có chuyến thăm đáng chú ý kéo dài hai ngày tới Iran.
Kết quả nổi bật trong chuyến thăm là việc IAEA và Tehran đạt được sự đồng thuận quan trọng liên quan đến công tác giám sát quốc tế đối với các cơ sở hạt nhân của Iran, mở ra triển vọng có thể đạt thêm những tiến triển quan trọng khác giữa các bên liên quan về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc (nhóm P5+1) với tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chuyến thăm Iran của Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Tehran với IAEA cũng như với phương Tây đang khá căng thẳng sau khi xuất hiện thông tin Iran đang sở hữu nguyên liệu urani đã được làm giàu 83,7%, mức rất gần với năng lực sản xuất vũ khí, tại Nhà máy làm giàu hạt nhân Fordow của Iran. Ngày 17/11/2022, Hội đồng Thống đốc gồm 35 thành viên của IAEA thậm chí đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Iran hợp tác khẩn cấp với cơ quan này liên quan đến cuộc điều tra làm rõ các dấu vết urani được phát hiện tại 3 cơ sở mà Tehran chưa từng công bố. Vì lẽ đó, việc IAEA và Tehran đạt được đồng thuận về công tác giám sát các cơ sở hạt nhân tại Iran được coi là bước tiến quan trọng, mở ra triển vọng có thể đạt thêm những bước tiến mới liên quan đến việc khôi phục JCPOA.
Bước tiến quan trọng
Trong thông báo ngày 5/3, một ngày sau chuyến thăm Iran của Tổng Giám đốc Rafael Grossi, IAEA cho biết Iran đã cam kết sẽ hỗ trợ các hoạt động thanh sát của cơ quan này, vốn bị trì hoãn từ lâu, về việc phát hiện vật chất urani tại những địa điểm chưa được công bố và cả việc lắp đặt lại các thiết bị giám sát bị gỡ bỏ trước đó. Theo đó, IAEA và Iran đã ra tuyên bố chung, trong đó có đoạn nêu rõ: Iran sẵn sàng cung cấp thêm thông tin và khả năng tiếp cận để giải quyết những vấn đề an toàn còn tồn tại.
Trước đó, phát biểu với báo giới tại sân bay Vienna (Áo) ngay sau khi trở về từ Tehran, Tổng Giám đốc Rafael Grossi cho biết Iran có thể sẽ cung cấp quyền tiếp cận thông tin, địa điểm và con người, qua đó thể hiện sự cải thiện trong quan hệ hai bên sau nhiều năm Tehran duy trì quan điểm cứng rắn. Ngoài ra, Iran cũng sẽ cho phép lắp đặt lại các thiết bị giám sát bổ sung, vốn được triển khai theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nhưng đã bị gỡ bỏ năm 2022. Cũng theo người đứng đầu IAEA, cuộc thảo luận tại Tehran diễn ra trong không khí chuyên nghiệp, trung thực và hợp tác. Những cuộc đàm phán tiếp theo ở Iran giữa cơ quan này và giới chức sở tại nhằm đưa ra các nội dung hợp tác cụ thể sẽ "rất sớm" diễn ra.
Tổng Giám đốc IAEA Grossi (giữa) và Giám đốc AEOI Mohammad Eslami (thứ 2, từ trái) tại Tehran, ngày 4/3. Ảnh: AP |
Về phần mình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Nasser Kanaani, ngày 6/3 đánh giá chuyến thăm Tehran của Tổng Giám đốc Rafael Grossi đã mở ra chương mới trong hợp tác giữa hai bên. Ông Kanaani cho biết hai bên đã đạt được “nhiều thỏa thuận tốt” trong chuyến thăm, nhận định chuyến thăm là một phần trong chính sách “ngoại giao tích cực” giữa Iran và IAEA. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran đồng thời bày tỏ hy vọng những nỗ lực này sẽ tạo điều kiện để giải quyết những bất đồng về kỹ thuật giữa hai bên.
Về phía cộng đồng quốc tế, nhiều quốc gia và thực thể đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được giữa IAEA và Iran, nhấn mạnh đây là bước tiến quan trọng hướng đến giải quyết các bất đồng còn tồn tại liên quan đến tiến trình hạt nhân Iran và khôi phục JCPOA.
Cần tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực
Theo nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu quốc tế, thỏa thuận vừa đạt được giữa IAEA và Tehran về công tác giám sát các cơ sở hạt nhân tại Iran mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trước hết, điều đó cho thấy sự cải thiện rõ ràng trong quan hệ giữa hai bên, khiến cho phương Tây không còn lý do để thúc đẩy một nghị quyết quốc tế mới yêu cầu Iran hợp tác, động thái vốn luôn vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Tehran và khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn. Thứ hai, nó cho thấy vấn đề xây dựng lòng tin giữa các bên bước đầu đã được thiết lập, tạo nền móng cho việc mở rộng đối thoại giải quyết nhiều vấn đề liên quan khác. Trong đó, nhiều nhà phân tích tin tưởng các cuộc đàm phán khôi phục JCPOA giờ đây đã có cơ sở để xúc tiến trở lại.
Tuy nhiên, giới phân tích đồng thời cảnh báo rằng, việc khôi phục JCPOA vẫn là một chặng đường dài với nhiều trở ngại và thách thức cần vượt qua. Thực tế cho thấy, tiến trình đàm phán nhằm khôi phục JCPOA kéo dài từ tháng 4/2021 đến tháng 8/2022 vừa qua tại Vienna (Áo) giữa Iran và P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức), vẫn chưa thể mang lại thỏa thuận cuối cùng, dù có những thời điểm tất cả các bên liên quan đều nhận định “thỏa thuận đã trong tầm tay”. Vì lẽ đó, tất cả các bên liên quan cần nghiêm túc thể hiện thiện chí và hành động xây dựng trong nỗ lực chung hướng tới thỏa thuận khôi phục JCPOA.
Đây cũng là quan điểm được nhiều quốc gia đặc biệt nhấn mạnh. Đơn cử, phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ở thủ đô Bắc Kinh ngày 6/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) khẳng định: Bắc Kinh tin rằng việc tuân thủ đầy đủ và hiệu quả các thỏa thuận là con đường đúng đắn cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.