Lạc quan vào việc khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran

(VOV5) - Kế hoạch chung toàn diện (JCPOA) dù mang nặng tính nhân đạo nhưng thỏa thuận này mang đến sự lạc quan về triển vọng đạt được một thỏa thuận hạt nhân tạm thời trong những ngày tới. 

Mỹ và Iran vừa đạt thỏa thuận trao đổi tù nhân, một trong những vướng mắc chủ yếu trong các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với các cường quốc thế giới trong năm 2015 - có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Dù ít ỏi và mang nặng tính nhân đạo nhưng thỏa thuận này mang đến sự lạc quan về triển vọng đạt được một thỏa thuận hạt nhân tạm thời trong những ngày tới.

Lạc quan vào việc khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran - ảnh 1Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran trong cuộc họp báo ở Tehran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo thỏa thuận, 4 tù nhân tại Iran sẽ được phóng thích để đổi lấy 4 người bị giam giữ ở Mỹ. Bên cạnh đó, những tài sản của Iran bị ngăn chặn, chủ yếu là ở Hàn Quốc, cũng sẽ được dỡ phong tỏa theo thỏa thuận này. 4 công dân Mỹ mang hai quốc tịch đã bị giam giữ tại Iran trong nhiều năm qua với các tội danh khác nhau, trong đó có hoạt động gián điệp. Một số người Iran cũng bị giam giữ tại Mỹ, chủ yếu với tội danh vi phạm các lệnh cấm vận. Bên cạnh đó, hơn 7 tỉ USD dự trữ ngoại hối của Tehran cũng bị Hàn Quốc "phong tỏa" do sức ép từ Mỹ.

Mặc dù phía Tehran cho rằng vấn đề trao đổi tù nhân này tách biệt với thỏa thuận hạt nhân và hoàn toàn là vấn đề nhân đạo, song đây là tín hiệu tích cực được ghi nhận, mở lối cho các cuộc đàm phán khôi phục JCPOA.

Các cuộc đàm phán đang nhích về đích?

Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA đã bắt đầu được tiến hành vào tháng 4/2021 tại Vienna (Áo), nhưng đã bị đình chỉ vào tháng 3 năm nay vì những khác biệt chính trị giữa Tehran và Washington. Vòng đàm phán hạt nhân mới nhất được tổ chức tại thủ đô của Áo đầu tháng 8 vừa qua, sau 5 tháng gián đoạn. Vào ngày 8/8, EU đưa ra văn bản cuối cùng của dự thảo quyết định về việc khôi phục JCPOA. Iran và Mỹ sau đó đã gián tiếp trao đổi quan điểm về đề xuất của EU, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa đạt được kết quả nào do vẫn còn những điểm mấu chốt quan trọng chưa nhận được sự đồng thuận từ phía Tehran và Washington cũng như cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc.

Việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran không chỉ trì hoãn “một quả bom của Iran”, giúp giảm nguy cơ bất ổn toàn khu vực Trung Đông, mà còn có thể giúp phương Tây đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng khi một mùa đông khắc nghiệt đang cận kề. 

Tehran đã nhiều lần nhấn mạnh yếu tố “đảm bảo tin cậy” trong đàm phán khôi phục JCPOA. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh công cộng quốc gia Mỹ (NPR), được đăng tải nội dung trên website của Bộ Ngoại giao Iran mới đây, ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nhấn mạnh, Tehran kiên định với quan điểm rằng ngoại giao là giải pháp để tháo gỡ bế tắc, đồng thời cũng rất nghiêm túc và kiên trì để đạt được thỏa thuận lâu dài và bền vững.

Trong cuộc họp báo tuần vào ngày 3/10 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani cho biết, các nhà điều phối châu Âu và các nhà trung gian đang nỗ lực trao đổi thông tin để đạt được một thỏa thuận, cụ thể là thông điệp giữa Iran và Mỹ. Ông còn khẳng định nếu chính phủ Mỹ thể hiện thiện chí chính trị thì khả năng sẽ đạt được thỏa thuận trong thời gian ngắn. 

Thời điểm hợp lý để JCPOA hồi sinh

Sau gần 17 tháng đàm phán, các nhà phân tích cho rằng đây là thời điểm hợp lý để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran không chỉ trì hoãn “một quả bom của Iran”, giúp giảm nguy cơ bất ổn toàn khu vực Trung Đông, mà còn có thể giúp phương Tây đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng khi một mùa đông khắc nghiệt đang cận kề. Cụ thể, nếu một thỏa thuận được khôi phục sẽ tạm thời hạn chế khả năng hạt nhân của Tehran và giúp gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, tạo điều kiện giải phóng hàng tỉ USD tài sản bị đóng băng cũng như doanh thu từ dầu và khí đốt của Iran. Sau đó, Iran có thể “bổ sung” khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày vào thị trường, ít nhất sẽ thay thế một phần nguồn cung dầu của Nga đến châu Âu, giúp đẩy giá năng lượng toàn cầu giảm xuống.

Tuy nhiên, việc hồi sinh JCPOA sẽ bao gồm một chế độ giám sát chặt chẽ để xác minh Iran có đáp ứng các cam kết của mình hay không. Thỏa thuận sẽ không bao gồm bất kỳ hoạt động quân sự phi hạt nhân hóa nào của Iran, chẳng hạn như hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố. Hiện tại, Iran vẫn đang tìm kiếm thêm sự đảm bảo rằng chính quyền Mỹ trong tương lai sẽ không rời bỏ thỏa thuận một lần nữa bởi chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ duy trì các nghĩa vụ của mình nhưng không thể có được sự đảm bảo pháp lý với chính quyền kế nhiệm. Iran muốn có những đảm bảo được tích hợp trong văn bản mới để giảm bớt những tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với nền kinh tế Iran nếu thỏa thuận sụp đổ một lần nữa. Theo đánh giá của các quan chức phương Tây, nếu sự đảm bảo này được lập thành văn bản trong thỏa thuận mới sẽ cho phép các công ty nước ngoài tiếp tục hoạt động tại Iran trong 2,5 năm mà không lo bị trừng phạt ngay cả khi thỏa thuận bị đổ vỡ.

Mặc dù có nhiều dấu hiệu khả quan nhưng các nhà phân tích đánh giá, thỏa thuận mới có vẻ ít nội dung và yếu hơn so với JCPOA 2015. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, bất cứ một thỏa thuận nào đạt được cũng đều đáng ghi nhận, xác lập sự tin cậy, tạo đà cho thỏa thuận cuối cùng.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác