(VOV5) - Ngày 24/8, Chính phủ Iran thông báo đã nhận được phản hồi của Mỹ với đề xuất khôi phục thỏa thuận JCPOA mà Liên minh châu Âu (EU) soạn thảo.
Sau gần 1 năm rưỡi kiên trì đàm phán (từ tháng 4/2021), các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đã thu hẹp được nhiều bất đồng cơ bản, mở rộng thêm triển vọng có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc khôi phục JCPOA. Tuy nhiên, chặng đường ngắn còn lại để đi tới thỏa thuận vẫn được đánh giá là còn không ít chông gai, cần thêm nhiều nỗ lực cùng thiện chí của tất cả các bên liên quan.
Ngày 24/8, Chính phủ Iran thông báo đã nhận được phản hồi của Mỹ với đề xuất khôi phục thỏa thuận JCPOA mà Liên minh châu Âu (EU) soạn thảo. Trong một tuyên bố chính thức, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani khẳng định Tehran đang tiến hành xem xét kỹ lưỡng hồi đáp của Washington để đưa ra phản ứng phù hợp.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell. Nguồn: AFP/TTXVN |
Theo nhiều nhà phân tích, phản hồi của Iran với sự phúc đáp từ Mỹ đối với dự thảo thỏa thuận do EU soạn thảo, sẽ có tính chất quyết định đối với khả năng JCPOA có sớm được khôi phục hay không. Bởi lẽ trước đó, hầu hết các bên liên quan trong JCPOA (Nhóm P5+1 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức) đều xác nhận đã có thêm tiến triển quan trọng trong tiến trình đàm phán và việc tiến tới thỏa thuận khôi phục JCPOA cuối cùng đang ở rất gần.
Tiến triển quan trọng
Một ngày trước thông báo của Iran, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell hôm 23/8 cho biết một thỏa thuận liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran có thể đạt được sớm nhất là trong tuần này.
Nhận định lạc quan này được quan chức EU công bố sau khi Iran đưa ra phản hồi đối với văn bản cuối cùng của dự thảo thỏa thuận nhằm khôi phục thỏa thuận JCPOA mà EU soạn thảo và chuyển cho Iran trước đó. Trong phản hồi của mình, Iran đã đề nghị một số điều chỉnh và những điều chỉnh này được ông Josep Borrell nhận xét là hợp lý. Tiếp đó, dự thảo thỏa thuận và phản hồi của Iran đã được EU gửi cho các bên liên quan gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức. Đại diện EU ngay sau đó khẳng định phần lớn các bên đã đồng ý với đề nghị của Iran.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 22/8 cũng khẳng định rằng Moscow đã xác nhận đồng ý với dự thảo thỏa thuận mà EU soạn thảo và đã được gửi cho tất cả các bên tham gia tiến trình này. Về phía Mỹ, trong một tuyên bố cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cũng cho rằng việc đạt được một thỏa thuận đã trở nên khả thi hơn so với 2 tuần trước.
Theo các nhà phân tích quốc tế, phản ứng mới nhất của các bên cho thấy nỗ lực đạt được thỏa thuận khôi phục JCPOA đã có thêm tiến triển đáng kể, dù đề xuất bổ sung mà Iran đưa ra là gì chưa được công bố. Tuy nhiên, để đi đến thỏa thuận cuối cùng, các bên liên quan vẫn cần nỗ lực và nhất là thể hiện thiện chí một cách rõ ràng. Thực tế đàm phán thời gian qua cho thấy, việc xây dựng lòng tin giữa các bên, vốn là nền tảng quan trọng để tiến tới và tuân thủ thỏa thuận, vẫn còn không ít thách thức.
Tiếp tục xây dựng lòng tin
Hai ngày trước thông báo nhận được phản hồi của Mỹ đối với dự thảo thỏa thuận do EU soạn thảo về khôi phục JCPOA, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani hôm 22/8 cáo buộc Washington đang trì hoãn nỗ lực khôi phục JCPOA, đồng thời chỉ trích châu Âu “không có hành động cần thiết đối với Mỹ". Trước đó, trong thông báo ngày 16/8 về việc đã có văn bản phản hồi dự thảo của EU, Iran cũng nhấn mạnh rằng chỉ khi Mỹ thể hiện sự linh hoạt và thực tế thì mới có thể ký kết được thỏa thuận khôi phục JCPOA.
Về phần mình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 22/8 cũng cảnh báo rằng “vẫn tồn tại nhiều nghi vấn về những điều chỉnh mà Iran đưa ra với văn bản dự thảo của EU”, dù cho rằng việc đạt được một thỏa thuận đã trở nên khả thi hơn.
Theo các nhà phân tích, những tuyên bố của cả Mỹ và Iran, hai bên có tiếng nói quyết định nhất trong việc khôi phục thỏa thuận, tiếp tục cho thấy việc xây dựng lòng tin lẫn nhau vẫn là thách thức lớn cần vượt qua để đi tới thỏa thuận khôi phục JCPOA. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động phức tạp và mối đe dọa chiến tranh hạt nhân đang ở mức “nguy hiểm tột độ” như lời cảnh báo của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 22/8, việc xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan trong JCPOA là cực kỳ cần thiết. Điều đó không chỉ tạo nền tảng quan trọng cho việc có thể sớm đạt tới thỏa thuận, mà còn đảm bảo thỏa thuận được tuân thủ trong tương lai, tránh nguy cơ sụp đổ như năm 2018 khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận.
Hơn thế, việc sớm đạt thỏa thuận khôi phục JCPOA còn có thể tạo ra xung lực và trở thành hình mẫu cho việc giải quyết hàng loạt thách thức về an ninh khác, nhất là mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân trên phạm vi toàn cầu hiện nay.