(VOV5) - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức cộng hòa Pháp, ngày 24/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm và có bài phát biểu quan trọng tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp ở Thủ đô Paris. Trước đông đảo các các chính khách, học giả và nhà nghiên cứu uy tín hàng đầu của nước Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dùng hình tượng “con tầu” đang căng buồm lướt sóng để ví quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp. Con tầu đó dù phải trải qua nhiều bão tố, sóng gió, những thời khắc rất khó khăn, dù có chòng chành nhưng không bao giờ chìm đắm và cuối cùng con tầu đã tới bến bờ của sự thành công.
Hình mẫu cho sự hợp tác Đông-Tây
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong 40 năm qua, với nỗ lực vun đắp từ cả hai phía, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, quan hệ Việt Nam và Pháp đã đạt những thành quả quan trọng đầy ý nghĩa. Sự nồng ấm trong quan hệ đã thể hiện sâu rộng qua nhiều chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao và các cuộc trao đổi, tiếp xúc thường xuyên của các cơ quan, địa phương, tổ chức xã hội. Cho tới nay, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận quan trọng, thiết lập và duy trì thường xuyên, hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giao lưu nhân dân… Qua đó, Việt Nam và Pháp đã từng bước trở thành đối tác quan trọng cùng có lợi của nhau trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp độ. Việt Nam và Pháp cũng đã phối hợp tích cực cùng nhau trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Mối quan hệ Việt - Pháp ngày nay đã trở thành hình mẫu cho sự hợp tác Đông - Tây, giữa một quốc gia công nghiệp hàng đầu ở châu Âu và một nước đang phát triển năng động ở Đông Nam Á.
|
Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Pháp vừa được thiết lập thể hiện sự chín muồi của mối quan hệ đa lĩnh vực và trên nhiều cấp độ giữa hai nước. Quan hệ đối tác chiến lược này chắc chắn sẽ mở ra một giai đoạn hợp tác mới chân thành, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, cùng chia sẻ lợi ích vì hòa bình, phồn vinh của nhân dân hai nước.
Pháp hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ hai, đối tác thương mại châu Âu lớn thứ ba của Việt Nam và là một trong những nhà tài trợ phát triển (ODA) hàng đầu. Trên 300 công ty, ngân hàng Pháp đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhiều hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao của Pháp được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam. Hầu hết máy bay trong đội bay hàng trăm chiếc của của Hàng không quốc gia Việt Nam là các loại máy bay hiện đại Airbus. Hơn 7.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các giảng đường đại học của Pháp. Gần 20 thành phố, địa phương của Pháp có quan hệ đối tác với các thành phố, địa phương của Việt Nam, triển khai 70 dự án trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, hợp tác pháp ngữ, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, vệ sinh môi trường, đô thị hóa, dạy nghề, phát triển kinh tế nông thôn, y tế…
Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hai nước phải cùng nhau hợp tác với những tư duy mới, cách làm mới, sáng tạo. Trước mắt, cần dành sự quan tâm cho các lĩnh vực trọng tâm như chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, hợp tác phát triển, văn hóa, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và tư pháp, bao gồm cả trên bình diện hợp tác song phương và đa phương. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng hai bên cần phải tăng cường các chuyến thăm, gặp gỡ, tiếp xúc của Lãnh đạo cấp cao để đạt được sự thống nhất về các vấn đề mang tầm chiến lược trên các lĩnh vực. Qua đó mở đường cho việc nâng cấp các cơ chế đối thoại và thúc đẩy hợp tác trong hàng loạt các lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam và là thế mạnh của Pháp, như năng lượng, công nghiệp hàng không và vũ trụ, công nghệ cao, nông nghiệp, giao thông, ngân hàng... Cùng với đó là dành ưu tiên cho hợp tác về giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân, coi đây là nền tảng vững chắc, lâu dài cho phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp.
Cây cầu nối mới trong hợp tác Á-Âu
Trong thế giới toàn cầu hóa với các mối quan hệ quốc tế đan xen, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ mong muốn Quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Pháp phải trở thành một cây cầu nối cho phát triển hợp tác Á – Âu. Cây cầu nối đó sẽ góp phần thúc đẩy sự hợp tác của hai khối kinh tế khổng lồ, nhằm tạo nên xung lực cho sự phát triển toàn cầu. Trong bối cảnh sự cạnh tranh về lợi ích chiến lược ngày càng gay gắt, xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia đối tác là vô cùng cần thiết. Và mối quan hệ đối tác chiến lược Việt – Pháp cần phải được phát huy, tạo hiệu ứng lan tỏa để góp phần xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển trên 2 châu lục Á, Âu. Không chỉ cùng góp phần ngăn ngừa sự can dự mang những toan tính cho riêng mình, ngăn ngữa sự bất bình đẳng, mối quan hệ đó còn cần phải hợp tác mạnh mẽ để ngăn chặn những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế mang tính chất áp đặt và chính trị cường quyền. Tất cả vì một mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển và thịnh vượng trên thế giới.
Cuối cùng, Thủ tướng cho rằng hai quốc gia xác lập quan hệ đối tác chiến lược, nhưng đó mới chỉ là bước đầu, trước mắt có nhiều cơ hội và cả những thách thức, khó khăn, cần phải có những giải pháp phù hợp, cách làm hay, sáng tạo nhằm làm cho quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp ngày càng phát triển vì sự thịnh vượng, vì lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước và vì quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia trên thế giới./.
Thành Chung