(VOV5) - Hôm nay (6/11), Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ.
Đây là hoạt động thường xuyên của mỗi kỳ họp Quốc hội, nhưng khác với các kỳ họp trước, chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 là chất vấn giữa nhiệm kỳ. Do đó, cách thức tiến hành chất vấn, nội dung chất vấn có những điểm khác biệt, thể hiện tinh thần luôn đổi mới của Quốc hội để theo kịp với tiến trình phát triển đất nước và sự mong mỏi của cử tri.
Chất vấn là chức năng giám sát của Quốc hội, bên cạnh chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Với thời lượng 2 ngày rưỡi, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 tập trung giám sát việc các thành viên Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực mình phụ trách.
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn |
Giám sát việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội
Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, do đó, các đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành liên quan về những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Nói cách khác, phiên chất vấn lần này thực chất là giám sát việc thực hiện lời hứa, cam kết trước Quốc hội, trước cử tri của các tư lệnh ngành trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: "Điểm đặc biệt lần này là không đưa ra đề bài trước, không chọn nhân vật đăng đàn mà tất cả thành viên Chính phủ ở các lĩnh vực phải trả lời chất vấn của đại biểu, của cử tri. Thực sự, đây sẽ là kỳ chất vấn sôi động, cử tri rất mong chờ, kỳ vọng có nhiều vấn đề đặt ra, được giải đáp. Hy vọng của cử tri và cá nhân tôi là sẽ có nhiều câu hỏi được trả lời một cách thấu đáo, luận giải những khó khăn mà Chính phủ đang gặp phải khi giải quyết các vấn đề cử tri quan tâm, hoặc trong điều hành kinh tế xã hội".
Trong khi đó, đại biểu Lê Đào An Xuân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, nêu ý kiến: "Ở lần chất vấn này, tôi đánh giá rất cao hình thức tổ chức được Thường vụ Quốc hội đề xuất. Đó là sự sáng tạo và linh hoạt, cũng như thể hiện sự bao quát điều hành của từng trưởng ngành, cho thấy sự phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện nhiệm vụ đã cam kết".
Đảm bảo hiệu quả
Để bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả trong hoạt động chất vấn của Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này tập trung vào lĩnh vực kinh tế tổng hợp - vĩ mô; kinh tế ngành; văn hóa - xã hội và tư pháp - nội chính - kiểm toán nhà nước.
Đặc biệt, thời gian phiên chất vấn không quy định “cứng” dành cho mỗi nhóm lĩnh vực, mà sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế. Việc này tạo sự chủ động, linh hoạt đối với người điều hành phiên chất vấn, góp phần nâng cao hiệu quả của phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Phát biểu khi rà soát các công việc chuẩn bị cho phiên chất vấn (chiều 30/10), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh rằng đây chính là hình thức “giám sát sau giám sát”. Bởi suy cho cùng, điều cử tri và nhân dân cần chính là kết quả thực hiện. Nếu chỉ chất vấn mà không quay trở lại để đánh giá kết quả thực hiện, đặc biệt là hiện thực hóa các lời hứa, thì các phiên chất vấn chưa đạt hiệu quả tối ưu... Với việc chất vấn tại kỳ họp thứ 6 này, các vấn đề dư luận quan tâm sẽ được xem xét ở nhiều góc độ. Đề cập vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho biết: "Chúng ta không chia nhóm mà chia các lĩnh vực để chất vấn, đó là điểm rất mới trong chất vấn. Như vậy sẽ đi tận cùng vấn đề để đại biểu Quốc hội hỏi sâu hơn, sát hơn".
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội luôn nhận được sự quan tâm theo dõi đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước. Mấu chốt của chất vấn là chỉ ra được những tồn tại, hạn chế để cùng bàn bạc, giải quyết, giúp các bộ trưởng, trưởng ngành điều hành, quản lý tốt hơn. Và tại kỳ họp thứ 6 này, chất vấn còn là cơ hội để Quốc hội, cử tri và Nhân dân thấy được những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội thời gian qua.