(VOV5) - Hội nghị Trung ương 4 lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy tính tiên phong của cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là vấn đề trọng tâm của Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIII.
Điểm mới lần này là Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ xây dựng, chỉnh đốn trong Đảng mà còn trong cả hệ thống chính trị.Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi, Đảng còn chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong Đảng. Quan điểm này đáp ứng niềm tin của nhân dân về công tác xây dựng Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIII. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Trong ba kỳ đại hội XI, XII, XIII của Đảng cộng sản Việt Nam, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều được đưa lên hàng đầu. Nếu như Hội nghị Trung ương 4, khóa XI, XII đề cập nhiều đến vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thì Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII đã mở rộng ra cả hệ thống chính trị. Đây là một điểm mới của Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII.
Điều này là cách tiếp cận đúng đắn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vì với một đảng cầm quyền, đảng viên được phân công công tác trong các lĩnh vực của Nhà nước, bao gồm Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Chính phủ, Ủy ban nhân dân, cả các tổ chức chính trị xã hội. Vì thế, xây dựng chỉnh đốn, làm trong sạch đội ngũ cán bộ không chỉ trong Đảng mà trong cả hệ thống chính trị.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Hội nghị Trung ương 4 lần này nhấn mạnh câu chuyện suy thoái và gắn công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị. Bởi trước đây chúng ta chỉ tập trung nói trong xây dựng Đảng. Nhưng Đảng là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước xã hội. Nếu chúng ta không có được một sự vững vàng, trong sáng về chính trị tư tưởng thì rất dễ dùng quyền lực để tham nhũng.”
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh quan điểm đảng viên phải “nói đi đôi với làm”, gương mẫu chấp hành các nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư nêu rất rõ trách nhiệm của mỗi Ủy viên Trung ương phải gương mẫu, phải gánh trọng trách là người đứng đầu.Tư tưởng, quan điểm về xây dựng, chỉnh đốn Đảng này đáp ứng được niềm tin của nhân dân.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho rằng: “Tôi nghĩ lần này Trung ương 4 khóa XIII cùng với xây dựng chỉnh đốn Đảng, kết hợp sửa đổi những điều đảng viên không được làm là hết sức cần thiết. Thứ nhất là phát huy tính kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Thứ hai phát phát huy tính gương mẫu, tiền phong, năng lực, sức chiến đấu của Đảng.”
Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII nhấn mạnh chủ trương chống tiêu cực do suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bởi tiêu cực là “cái gốc” là nguồn để đi đến những suy thoái khác, đặc biệt là tham nhũng. Về vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, lập luận rằng: đảng viên không rèn luyện, suy thoái đạo đức lối sống thì sẽ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”: "Đạo đức lối sống suy thoái đấy chính là tự diễn biến, chứ không phải diễn biến bằng lời nói mà diễn biến bằng chính hành động. Khi đảng viên không còn vai trò là người lãnh đạo nữa, không phải là đầu tầu gương mẫu trong cuộc sống, không phải là người tốt nữa thì đấy chính là tự diễn biến, không ai chống mình cả. Phải hiểu tự diễn biến là gì, rõ ràng làm trong sạch vững mạnh đấy chính là biện pháp chống tự diễn biến tận gốc sâu sắc nhất."
Không chỉ “ngăn chặn, đầy lùi” Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII nhấn mạnh sự “chủ động”. Đây là phương châm mới trong chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, phân tích: "Chủ động tiến công quyết liệt hơn nữa như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu. Ở đây thể hiện quyết tâm chính trị cao hơn nữa trong Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để kiên quyết đấu tranh không dừng lại, không chùng lại trong cuộc đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực trong Đảng, trong đó có tham nhũng."
Hội nghị Trung ương 4 lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy tính tiên phong của cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực sức chiến đấu của Đảng. Mỗi đảng viên thực sự gương mẫu, đẩy lùi tiêu cực, chống lại các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì nhất định Đảng cộng sản Việt Nam vững mạnh, đáp ứng niềm tin tưởng của nhân dân./.