(VOV5) - Việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã thể hiện tinh thần chủ động hội nhập, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các vấn đề quốc tế và khu vực.
Ngày 01/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 (28/6 - 01/7). Chuyến thăm đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong quan hệ song phương với hàng loạt cam kết quan trọng được thông qua. Trong khi đó, với việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã thể hiện tinh thần chủ động hội nhập, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các vấn đề quốc tế và khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Với hơn 50 hoạt động trong chương trình làm việc, từ ngày 27/6 - 1/7, chuyến công tác tại Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đạt nhiều kết quả tích cực.
Động lực mới đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển mạnh mẽ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có 25 hoạt động song phương trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật bản, trong đó, đáng chú ý là buổi hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe; dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham gia của hơn 1200 doanh nghiệp hai nước; chủ trì cuộc Tọa đàm với lãnh đạo gần 40 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản; tiếp lãnh đạo một số tổ chức và tập đoàn kinh tế lớn có quan hệ hợp tác với Việt Nam, dự và trồng cây lưu niệm tại Lễ hội hoa sen Việt Nam - Nhật Bản 2019 tại thành phố tỉnh Wakayam. Hai bên tái khẳng định coi nhau là đối tác quan trọng trong chính sách khu vực, nhất trí duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao.
Trong chuyến thăm này, kinh tế, đầu tư, lao động tiếp tục là những lĩnh vực hợp tác hết sức sôi động giữa hai nước. Thủ tướng 2 nước đã chứng kiến Lễ ký kết 6 văn kiện hợp tác, trong đó Bản ghi nhớ hợp tác về phái cử và tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản, mở ra những cơ hội hợp tác mới trong hợp tác lao động giữa hai nước. Hai bên đã thống nhất về các thủ tục cho phép nhập khẩu quả vải của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, mở đường cho quả vải của Việt Nam đi vào một trong những thị trường lớn của thế giới. Hai Thủ tướng cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, phối hợp chặt chẽ để thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP và sớm kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam, các Bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước đã trao đổi hơn 32 văn kiện hợp tác với tổng trị giá khoảng 8 tỷ USD trong các lĩnh vực như năng lượng, tài chính, khách sạn, phát triển khu thương mại, khu công nghiệp, phát triển đô thị thông minh…Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành những khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại lớn mà mới nhất là việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, qua đó mở ra nhiều cơ hội mới cho thu hút đầu tư trực tiếp và thúc đẩy xuất khẩu thời gian tới.
“Chúng tôi coi cộng đồng các doanh nghiệp Nhật bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình phát triển quốc gia. Chúng tôi cố gắng khắc phục sớm những tồn tại để môi trường đầu tư Việt Nam thực sự đổi mới, hấp dẫn liên tục đối với các nhà đầu tư toàn cầu, đặc biệt là các nhà đầu tư của Nhật bản. Hứa hẹn nhiều điều may mắn tốt đẹp trong hợp tác song phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cùng phái đoàn hai bên chụp ảnh - Ảnh: VGP |
Đóng góp vì lợi ích chung
Với vai trò là quốc gia khách mời đặc biệt, Việt Nam đã nói lên tiếng nói của những nền kinh tế mới nổi, đưa ra những đóng góp quan trọng góp phần vào thành công
của hội nghị thượng đỉnh G20. Tại sự kiện quan trọng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà Lãnh đạo G20 thảo luận nhiều vấn đề toàn cầu quan trọng, đặc biệt là đưa ra các sáng kiến có ý nghĩa và thiết thực. Thứ trưởng thường trực Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết:
"Hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ sáng kiến của Nhật bản về thúc đẩy kinh tế số, và quan trọng hơn Thủ tướng góp ý kiến xây dựng những trung tâm kết nối dữ liêu trên toàn cầu, đồng thời cùng chia sẻ G20 để hỗ trợ các nước đảm bảo cơ sở dữ liệu đó được chia sẻ với các nước nhưng vẫn an toàn. Thứ hai là tại phiên về phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng cam kết việc thực hiện COP21 cùng các nước và quan trọng hơn là xây dựng trung tâm chia sẻ dữ liệu về biển và đại dương, tiến tới khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa biển. Các sáng kiến của Việt Nam thể hiện sự đóng góp có trách nhiệm vào tăng cường hợp tác toàn cầu trong xử lý những vấn đề cấp thiết đang nổi lên".
Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có hàng loạt tiếp xúc song phương với lãnh đạo cấp cao nhiều nước và tổ chức quốc tế, trong đó có các đối tác chiến lược và quan trọng, để tăng cường tin cậy, thúc đẩy quan hệ đi vào chiều sâu, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ và hợp tác của các nước trong những vấn đề Việt Nam có lợi ích.
Có thể nói, chuyến thăm Nhật bản và tham dự G20 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tạo động lực mới đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu trong thời gian tới đồng thời cho thấy tính chủ động, trách nhiệm của Việt Nam trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của quốc tế và khu vực.