(VOV5) - Ngày 20/12/2016, lễ khánh thành Nhà máy thủy điện Lai Châu được tổ chức trọng thể tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.
Công trình khẳng định dấu ấn trí tuệ Việt, vì các khâu quy hoạch, thiết kế, thi công xây lắp, giám sát, lắp máy, quản lý vận hành... đều do các kỹ sư, công nhân Việt Nam đảm nhận.
|
Sau gần 6 năm thi công, đến nay thủy điện Lai Châu đã hoàn thành vượt tiến độ 1 năm và làm lợi cho Nhà nước khoảng 7.000 tỷ đồng |
Công trình thủy điện Lai Châu bề thế, hiện đại với tổng công suất 1.200MW, vừa chính thức hoàn thành, hòa vào lưới điện quốc gia. Đại công trường mới hôm nào còn ngổn ngang sắt thép, bê tông, nay đã được thay thế bằng những con đường nội bộ trải nhựa và xung quanh phủ kín cây xanh giữa đại ngàn huyện Nậm Nhùn, tỉnh biên giới Lai Châu. Sau khi ba tổ máy hết thời gian chạy thử, thì công tác sửa chữa, bảo dưỡng cũng đã được đơn vị lắp máy LILAMA 10 thực hiện hoàn thành. Kỹ sư Nguyễn Thanh Oai, Phó Giám đốc Ban Điều hành Công ty Cổ phần lắp máy LILAMA 10, cho biết: Các tổ máy vận hành sớm , an toàn là nhờ sự nỗ lực ngày đêm của hàng vạn cán bộ, công nhân các nhà thầu, trong đó có cán bộ, công nhân và lao động của công ty. Ông Nguyễn Thanh Oai cho biết: “Đơn vị đã thi công và lắp đặt rất nhiều nhà máy như: Hòa Bình, Yaly, Sem 3, Sem 4, Prây Crông và thủy điện Sơn La. Ở thủy điện Lai Châu, phần tuốc bin máy phát đòi hỏi tính thiết bị, đòi hỏi độ chính xác rất là cao. Thế nhưng, với một đội ngũ công nhân lành nghề, cũng như là đội ngũ kỹ sư kỹ thuật Việt Nam có trình độ đã thi công nhiều công trình cho nên công việc lắp đặt đối với lắp máy không có vấn đề gì. Tất cả Ban lãnh đạo, cũng như cán bộ, công nhân viên đơn vị rất phấn khởi khi mà hoàn thành vượt tiến độ”.
Trong phòng điều khiển Trung tâm, hàng chục cán bộ, kỹ sư trẻ người Việt Nam tập trung cao độ, thực hiện phần việc quản lý, vận hành toàn bộ nhà máy. Tất cả họ đều thuộc thế hệ 9X, có tuổi đời từ 23 đến 25 và hầu hết là lần đầu tiên tiếp cận với công việc vận hành một thủy điện lớn. Mặc dù tuổi đời còn trẻ, nhưng họ đã đảm nhận rất tốt khâu chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia nhà thầu và làm chủ toàn bộ các thiết bị hiện đại của nhà máy. Kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Tiệp, Quản đốc Phân xưởng vận hành Lai Châu thuộc Công ty Thủy điện Sơn La, cho biết: “Quá trình vận hành dây chuyền sản xuất của nhà máy thủy điện Lai Châu, đến thời điểm hiện tại thì tất cả các hệ thống thiết bị chính và thiết bị phụ trợ đều đáp ứng tốt các yêu cầu về kỹ thuật, vận hành ổn định. Sau khi đưa tổ máy ba và toàn bộ hệ thống thiết bị phụ trợ của nhà máy vào vận hành thì anh em đều đáp ứng tốt được công việc. Và, đến thời điểm hiện tại thì chúng tôi đã sản xuất được trên 3,8 tỷ kW/h điện để cung cấp cho hệ thống điện quốc gia”.
Thủy điện Lai Châu là công trình thủy điện lớn thứ 3 Đông Nam Á, chính thức hoàn thành vượt tiến độ trước một năm. Cùng với thủy điện Hòa Bình, Sơn La, nhà máy thủy điện Lai Châu đi vào hoạt động sẽ giúp nâng tổng công suất các nhà máy thủy điện trên dòng chính sông Đà lên trên 5.500 MW, cung cấp khoảng hơn 23 tỷ kWh cho lưới điện quốc gia mỗi năm. Thành quả tại thủy điện Lai Châu mang một ý nghĩa lớn lao, khi từ các khâu thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị đến quản lý vận hành, phần lớn do những kỹ sư, công nhân người Việt làm chủ.