Điểm mới trong Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng

(VOV5) - Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản khóa XI trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam, đã được công bố rộng rãi để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, phân tích nhiều điểm mới của Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XII, trong bài viết nhan đề: ”Điểm mới trong Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng”. VOV5 xin giới thiệu nội dung bài viết này.

Điểm mới trong Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng - ảnh 1
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, điểm mới quan trọng là ở chủ đề và các nội dung cơ bản của Dự thảo Báo cáo Chính trị. Theo đó, Chủ đề Dự thảo Báo cáo Chính trị bắt đầu bằng cụm từ " Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh" là nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác xây dựng Đảng, vì xây dựng Đảng trong quá trình đổi mới được xác định là then chốt, phát triển kinh tế là trọng tâm. Việc xây dựng Đảng có tốt thì toàn bộ tiến trình đổi mới mới mang lại chất lượng và hiệu quả.


Nhân mạnh yêu cầu đổi mới đồng bộ và toàn diện


Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam lần này nhấn mạnh việc đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, nếu không không đổi mới đồng bộ thì không phát triển. Việc đổi mới được triển khai từ cấp chiến lược cho đến cơ sở để tạo ra sức mạnh tổng hợp. Theo phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, trước Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 11, Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định đến năm 2020 đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại nhưng trên thực tế, mục tiêu này cần thiết phải được điều chỉnh lại. Vì thế, trong Dự thảo Báo cáo Chính trị lần này, Đảng cộng sản Việt Nam ghi rõ thời điểm đến năm 2020, tạo cơ sở để sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, sớm đạt được mục tiêu đó sau năm 2020. Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc đặc biệt quan tâm đến nội dung phát triển kinh tế: "Tôi cho rằng, mấu chốt hiện nay là kinh tế. Đánh giá tổng kết 30 năm đổi mới, chúng ta nhận định nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và thế giới vẫn tồn tại. Bởi vậy, đất nước phát triển nhanh, gốc vẫn là kinh tế. Tuy nhiên, gốc kinh tế có hạn chế là: quy mô kinh tế nhỏ, chất lượng, hiệu quả thấp và còn nặng kinh tế tài nguyên, giá trị gia tăng của nền kinh tế còn hạn chế, năng suất lao động thấp. Kỳ này cái mà tôi quan tâm là kinh tế bứt phá, phát triển nhanh, bền vững.  Muốn thế thì phải gắn với 3 đột phá Đại hội XI đã nêu mà đến nay làm chưa hiệu quả là: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; đào tạo nguồn nhân lực và tạo kết cấu hạ tầng hiện đại. Kỳ này trong Đại hội XII vẫn phải nhấn mạnh 3 đột phá thì mới bứt phá nền kinh tế đất nước".


Đoàn kết trong Đảng là yếu tố then chốt


Đoàn kết trong Đảng là yếu tố then chốt và tăng cường xây dựng Đảng cộng sản Việt Nam trong sạch vững mạnh cũng là nội dung quan trọng được nêu ra ngay phần đầu của Dự thảo báo cáo chính trị. Về điều này, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc nêu rõ: "Tôi cho rằng, đoàn kết trong Đảng là hạt nhân đoàn kết toàn xã hội và đoàn kết quốc tế. Quan điểm đoàn kết trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra từ sớm. Trong Di chúc, Người nhấn mạnh thực hành dân chủ trong Đảng để giữ gìn sự đoàn kết. Từ thực hành dân chủ mới có thể đoàn kết tốt ngoài xã hội. Cho nên kỳ này có mục 11 là phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn với quyền làm chủ của dân mới phát huy sức mạnh chung cả hệ thống chính trị và chú ý đoàn kết quốc tế. Theo tôi, vấn đề mấu chốt nhất là phải quan tâm đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống mà hiện nay ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng".


Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, việc tiếp thu ý kiến của nhân dân đóng góp xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là việc làm cần thiết và cũng là điểm đáng mừng trong tiến trình phát huy dân chủ ở Việt Nam. Thông qua đợt sinh hoạt chính trị này, nhân dân đã tham gia đóng góp trí tuệvào công việc của Đảng, của đất nước. Ngược lại, Đảng cộng sản Việt Nam cũng lắng nghe dân, thực sự tin dân, nghiên cứu, tổng hợp và tiếp thu ý kiến góp ý xác đáng của dân. Rõ ràng, việc lấy ý kiến toàn dân là hết sức cần thiết và phải được tiến hành bài bản để người dân tiếp cận, cùng chung sức bàn luận, thống nhất trong mọi vấn đề hệ trọng của đất nước.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác