Điện Biên Phủ trên không - tầm cao bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam

(VOV5)- Chiến thắng 12 ngày đêm Hà nội - Điện Biên Phủ trên không tháng 12 năm 1972 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt nam như một chiến công thần kỳ, đập tan chiến dịch ném bom rải thảm bằng B52 mang mật danh Linebacker II của quân đội Mỹ. Chiến thắng này tiêu biểu cho tầm cao bản lĩnh và trí tuệ Việt nam, đã làm thay đổi căn bản cục diện chiến tranh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp thống nhất đất nước mùa xuân năm 1975 của nhân dân Việt Nam.

 

Trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm trên bầu trời Hà nội 40 năm trước, quân đội Việt nam không bị bất ngờ về chiến lược khi Mỹ mở chiến dịch Linebacker II. Ngay từ năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những dự báo về âm mưu, thủ đoạn leo thang, mở rộng chiến tranh ra miền bắc của quân đội Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định sớm muộn, đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội vì vậy phải dự kiến trước tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian chuẩn bị. Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng Không - Không quân, cho biết: “Quân chủng Phòng không - Không quân đã biên soạn thành cẩm nang đánh B52, phương án tác chiến từ năm 1968. Cuối tháng 11/1972, phương án cuối cùng đánh B-52 đã được Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và tập thể lãnh đạo Bộ Tổng tham mưu trực tiếp thông qua, sau đó được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phê chuẩn. Từ đó, chúng tôi lập kế hoạch đánh B52 và hoàn toàn chủ động.”.

Điện Biên Phủ trên không - tầm cao bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam  - ảnh 1
Các phi công và máy bay tiêm kích MiG-17 sẵn sàng tham gia chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh tư liệu


Trận đánh 12 ngày đêm trên bầu trời Hà nội năm 1972 còn cho thấy sự sáng tạo linh hoạt của quân đội Việt nam trong cách đánh khiến những MiG 21, tên lửa SAM 2, pháo phòng không cỡ nòng 100mm, ra-đa P35 trở thành nỗi ám ảnh đối với B-52, con ma, thần sấm của không quân Hoa Kỳ. Đại tá Đinh Thế Văn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 - đơn vị bắn rơi 4 B- 52 bằng cách bắn đón trước nửa góc, cho biết: “Nhiệm vụ của tiểu đoàn 77 là bảo vệ khu vực Ba Đình, vì vậy chúng tôi phải nghiên cứu tất cả những điểm yếu của B 52. Ví dụ như trong màn hiện sóng gây nhiễu dày đặc mà lại nổi lên phần nhiễu nặng thì chắc chắn có B52. Thứ 2, máy bay B52 ở độ cao 10km, độ cao rất thuận lợi cho tên lửa phát huy đầy đủ tính năng để bắn B52. Một đặc điểm thứ 3 là B52 càng to,càng nặng thì phản xạ về tín hiệu rada càng lớn. Ngoài ra, chúng tôi đã nghiên cứu quy luật nếu B52 vào vành đai ném bom thì dứt khoát các F (máy bay F4) không thể nằm dưới tầm của bom B52, chúng sẽ phải bay ra ngoài phạm vi hoả lực vì vậy chúng tôi yên trí mở máy thu, thu được nhiễu B52 từ xa cho đến khi vào đến cự ly bắn.”.


Đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ cuối tháng 12/1972 còn là đỉnh cao về nghệ thuật tác chiến của không quân nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Theo Trung tướng Phạm Tuân, máy bay B-52 được yểm trợ rất mạnh, lại bay ban đêm, ngoài ra, bản thân B-52 được trang bị tên lửa mồi, trang bị súng phía đuôi có khả năng tiêu diệt máy bay tiêm kích. Vì vậy không quân Việt nam phải tập bay ở những sân bay ngắn, tập bay thấp, bay cao để có thể tiếp cận nhanh. Thượng tá Vũ Đình Rạng, phi công lái MiG 21, cho biết thêm: “Trên thế giới chưa nước nào dùng MiG 21 để đánh B52. Trong 12 ngày đêm, có thể nói Mỹ rất sợ không quân vì vậy Mỹ đã ném bom vào các sân bay nội đô của ta và làm tê liệt các sân bay đó. Chúng tôi phải sử dụng đoạn đường băng ngắn ngủi còn lại để cất cánh, cất cánh dựng đứng tham gia chiến đấu. Sau này, chúng tôi ra các sân bay vành ngoài, nơi địch không ngờ tới, để cất cánh chiến đấu. Tuy 12 ngày đêm, không quân bắn rơi ít máy bay hơn tên lửa và súng nhưng mỗi khi MiG 21 xuất kích thì đội hình của B52 phải giãn ra, giảm tần suất của nhiễu, tạo điều kiện cho tên lửa cũng như lực lượng khác chiến đấu.”.

 
Không chỉ chủ động trong cách đánh, vào thời điểm đó, quân đội Việt Nam đã chủ động cải tiến vũ khí, cụ thể ở đây là cải tiến tên lửa SAM2, loại vũ khí mà đối phương nhận định rằng không có khả năng đánh được B-52. Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57, cho biết: “Để đánh B- 52, chúng ta chỉ có tên lửa SAM 2. Chúng ta đã có những cải tiến nhất định, nâng công suất cho tên lửa. Ví dụ, năm 1967, sau khi bộ đội tên lửa bắn B-52 nhưng SAM 2 cứ bắn lên thì rơi xuống do nhiễu rơi vào rãnh đạn quá nặng, vì vậy qua nghiên cứu thì chuyên gia kỹ thuật Liên Xô và Việt Nam đã cải tiến để khắc phục hạn chế này. Thứ hai, là đầu đạn tên lửa SAM 2 năm 1965 chỉ văng khoảng 1.200 mảnh, năm 1972 được cải tiến nổ phá văng được 3.200 mảnh.”

 
Với lực lượng và thế trận hoàn chỉnh, sự phối hợp chiến đấu nhịp nhàng, quân và dân Hà Nội cùng quân và dân miền Bắc, đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ, bắn rơi nhiều máy bay hiện đại, trong đó có 34 pháo đài bay B-52. Chiến thắng này đã buộc Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và ký Hiệp định Paris năm 1973, mở ra thời cơ chiến lược để Việt nam tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


40 năm đã qua, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không trở thành một sự kiện lịch sử trọng đại, một kỳ tích vô song, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của Đảng cộng sản Việt nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. /.

Phản hồi

Các tin/bài khác