Đổi mới công tác thi đua khen thưởng đi vào thực chất, hiệu quả

(VOV5) - Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9, đang diễn ra tại Hà Nội, là sự kiện quan trọng tôn vinh các gương điển hình tiên tiến, xuất sắc trong nhân dân. Đây cũng là dấu mốc để đổi mới công tác thi đua, khen thưởng để thi đua khen thưởng thực sự là động lực mạnh mẽ, phát huy lòng yêu nước, tích cực học tập, chiến đấu, lao động sản xuất trong mọi tầng lớp nhân dân. 

Đổi mới công tác thi đua khen thưởng đi vào thực chất, hiệu quả - ảnh 1
Đại biểu dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX (Ảnh: laodong.com.vn)


Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân. Kể từ đó đến nay, các phong trào thi đua thực sự là động lực mạnh mẽ, góp phần to lớn vào việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.


Từ lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh


Vào thời điểm diễn ra Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9, ông Lại Văn Nghiễm, ở Hà Nội, còn nhớ như in từng câu, từng chữ trong lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần trở nên một chiến sỹ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa…”. Lời kêu gọi ấy thúc giục ông, với nhiệt huyết tuổi 20 và lòng yêu nước, tình nguyện lên đường nhập ngũ, trở thành một pháo thủ pháo cao xạ, chiến đấu chiến trường miền Bắc và miền Trung. Ông Nghiễm nhớ lại không chỉ có ông, mà tất cả mọi người dân thời ấy đều sôi nổi hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự giác, hăng hái lao động sản xuất, thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình: “Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng là lời hiệu triệu, đặc biệt là Người nói rất giản dị nhưng lại rất sâu sắc, tác động đến từng người. Mỗi khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đơn vị chúng tôi ở trận địa, Người nói rất rõ chuyện đó: thi đua, yêu nước của các cháu bây giờ chính là chiến đấu cho tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu của mình. Đấy là cách thi đua tốt nhất của bộ đội. Mỗi giai đoạn cách mạng đều có những yêu cầu khác nhưng chung quy lại thì vẫn như vậy thôi, thi đua bao giờ cũng phải gắn với nhiệm vụ thiết thực, nhiệm vụ chính trị của mỗi con người, mỗi tổ chức và mỗi đơn vị”.



Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh:“người người thi đua, ngành ngành thi đua” nhanh chóng tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, động viên mọi tầng lớp nhân dân cả nước tích cực lao động sản xuất, dũng cảm chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Hàng loạt phong trào thi đua sôi động, thiết thực đã được triển khai như “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm,” “Hũ gạo kháng chiến,” “Sóng Duyên Hải” “Gió Đại phong,” “Cờ Ba nhất”, “ Trống Bắc Lý”… đến các phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng,” “Phụ nữ ba đảm đang,” “Tuổi nhỏ chí lớn,” “Dạy tốt, học tốt”… 


Đến việc đổi mới các phong trào thi đua yêu nước



Trong giai đoạn kháng chiến cứu nước, các phong trào thi đua yêu nước đã luôn tạo ra hiệu quả thiết thực.Từ khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, một yêu cầu cấp thiết là phải đổi mới phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng cho phù hợp với nhiệm vụ phát triển và hội nhập của đất nước. Năm 2014, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 34 về đổi mới công tác thi đua khen thưởng, trong đó nhấn mạnh đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả. Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Bảo, để làm được điều đó, các phong trào thi đua cần có nội dung cụ thể, sát với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị. Công tác khen thưởng phải chú trọng động viên kịp thời những người trực tiếp lao động sản xuất. Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh: "Thứ nhất là nếu biết khơi dậy, phát động đúng thì tinh thần yêu nước sẽ tạo ra sức mạnh. Thứ hai là chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước phải thể hiện rõ chủ trương thi đua yêu nước gắn chặt với việc quan tâm đến lợi ích của người dân như thế nào. Thứ ba là thi đua yêu nước phải kết hợp với sự sáng tạo của các đoàn thể, địa phương, theo tình hình cụ thể của địa phương, ngành mình, biết tìm ra những vấn đề gì mang tính chất tạo ra động lực để thúc đẩy các phong trào đi lên".



67 năm đã qua, Lời kêu gọi thi đua yêu nước cũng như những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua khen thưởng vẫn còn nguyên giá trị. Đổi mới công tác thi đua khen thưởng là để thi đua, khen thưởng ngày càng hiệu quả, thực chất, để thi đua yêu nước thực sự là động lực tinh thần, tạo ra sức mạnh to lớn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác