Đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri để nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội

(VOV5) - Ngày mai (20/10), kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV khai mạc tại Hà Nội. Để chuẩn bị cho kỳ họp này, trước đó, hàng loạt các cuộc tiếp xúc cử tri giữa đại biểu Quốc hội với cử tri nơi ứng cử đã diễn ra trên khắp cả nước. Các cuộc tiếp xúc ngày càng thể hiện không khí dân chủ, thẳng thắn, không giới hạn chủ đề thảo luận, mở rộng thành phần tham gia. Tại các cuộc tiếp xúc, nhiều kiến nghị tâm huyết của cử tri đã được các đại biểu Quốc hội tiếp thu, giải đáp và sẽ chuyển tới kỳ họp Quốc hội lần này.

Đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri để nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội - ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)


Theo luật, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước và nơi bầu ra mình, phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri; phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội và cơ quan nhà nước hữu quan. Vì vậy, đại biểu Quốc hội phải tiếp xúc cử tri thì mới có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội được tiến hành với nhiều hình thức như tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân hoặc nhóm cử tri.


Mở rộng đối tượng cử tri tham gia cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội


Hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri của các Đoàn Đại biểu Quốc hội lần này đều được tổ chức tại xã, phường, thị trấn, thay vì tổ chức tại trụ sở các quận, huyện như trước đây. Nhờ vậy, đối tượng cử tri tham dự các cuộc tiếp xúc được mở rộng, thu hút sự quan tâm của số đông cử tri. Trung bình, mỗi cuộc tiếp xúc có khoảng 200 cử tri, đại diện cho người dân trong khu vực tham dự và có nhiều ý kiến phát biểu. Bên cạnh các vấn đề vĩ mô của đất nước như công tác xây dựng luật, bảo vệ môi trường bền vững, phát triển kinh tế, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc của địa phương được các cử tri quan tâm, nêu ý kiến như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, công tác cán bộ, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, chính sách hỗ trợ phát triển các vùng chuyên canh, hướng nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn…


Tiếp thu tối đa, giải trình chi tiết


Điểm đáng ghi nhận qua các cuộc tiếp xúc cử tri kỳ này là nhiều phản ánh, kiến nghị của cử tri liên quan trực tiếp đến địa phương đã được các vị đại biểu Quốc hội và chính quyền cơ sở ghi nhận, trả lời ngay tại buổi tiếp xúc như công tác giảm nghèo bền vững, tiến trình xây dựng nông thôn mới, công tác cán bộ. Những phúc đáp rõ ràng của các đại biểu Quốc hội ngay tại các cuộc tiếp xúc cử tri được ghi nhận, đánh giá cao. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Ngọ Duy Hiểu cho biết để nâng cao hoạt động tiếp xúc cử tri, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà nội đề nghị với UBND thành phố phân công tối đa lãnh đạo UBND thành phố và sở, ngành dự tiếp xúc cử tri, Mặt trận Tổ quốc các cấp mời đủ thành phần cử tri, tạo điều kiện thuận lợi để cử tri có nguyện vọng tham dự hội nghị. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cũng  tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề theo dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp. Đây là cách làm mới nhằm lắng nghe ý kiến của cử tri về những dự án luật sắp trình tại Quốc hội, nắm bắt thực tiễn, từ đó tham gia ý kiến xây dựng luật sát cuộc sống.


Đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri để nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội - ảnh 2
Cử tri xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh phát biểu tại buổi tiếp xúc với đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Phú Yên trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV
 (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)


Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhận định ngoài việc tiếp xúc trước và sau kỳ họp theo đơn vị bầu cử là chính thì việc có các cuộc tiếp xúc theo kiến nghị của đại biểu Quốc hội, tiếp xúc theo chuyên đề, tiếp xúc ngoài địa bàn, tiếp xúc theo đối tượng là dấu hiệu rất tích cực. Theo ông Thường:
 "Việc tổng kết để nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri là vấn đề quan trọng để cho sát thực tiễn, tránh hình thức và nâng cao chất lượng. Đây là cơ sở để bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có giá trị lâu dài cho hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử".


Trong khi đó, theo ông Bùi Nguyên Súy, Phó Trưởng ban Dân nguyện Ủy ban Thường Quốc hội, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, cần thiết phải ban hành Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để đại biểu Quốc hội nghe được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri. "Cần có quy định về tiếp xúc cử tri như trước kỳ họp, sau kỳ họp, tiếp xúc theo lĩnh vực, chuyên đề và theo nhóm cử tri,tiếp xúc ở nơi cư trú, nơi công tác phải được đặt ra đối với đại biểu dân cử như thế nào. Như vậy sẽ tiếp xúc được nhiều địa điểm, xuống nhiều địa bàn để lắng nghe nhiều ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước" - ông Súy nói.


Gắn bó mật thiết với cử tri không chỉ là nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội được pháp luật quy định mà còn là yêu cầu bức thiết để đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội nắm bắt được thực tiễn nguyện vọng, ý chí của người dân, làm tròn trách nhiệm là người đại diện cho tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của cử tri. Ý kiến của cử tri là một trong những kênh thông tin quan trọng không thể thiếu được trong quá trình đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội thực thi nhiệm vụ.


Với những đổi mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri vừa qua, các đoàn Đại biểu Quốc hội sẽ phản ánh kịp thời ý kiến của cử tri tới các cơ quan chức năng cũng như phản ánh trên các diễn đàn của Quốc hội. Điều này góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động của Quốc hội, để Quốc hội hoạt động thực sự vì lợi ích người dân.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác