(VOV5) - Nội dung chất vấn liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu cơ quan nào, người đó sẽ trực tiếp trả lời theo điều hành của chủ tọa.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ làm rõ thêm một số nội dung liên quan và trực tiếp trả lời ý kiến đại biểu Quốc hội. Đây là những điểm chính trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, đang diễn ra tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này là phiên chất vấn và trả lời chất vấn sau cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13. Nội dung chất vấn bao gồm các nhóm vấn đề: đánh giá tác động của Nghị quyết của Quốc hội đối với việc điều hành, quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, địa phương về chính trị- kinh tế, văn hóa- xã hội, quốc phòng- an ninh; đánh giá kết quả thực hiện của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao so với yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội và những cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương khi trả lời chất vấn tại các kỳ họp; đánh giá những hạn chế, đặc biệt là những vấn đề còn chuyển biến chậm, những yêu cầu thực hiện trong thời gian tới. Cuối cùng là hoạt động giám sát sau khi thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và những điểm cần rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giám sát trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đổi mới về hình thức
Tại kỳ họp thứ 10 này, Quốc hội không chọn người trả lời chất vấn cụ thể, cũng không chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ. Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ cùng các cơ quan liên quan về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các đại biểu sẽ thảo luận, chất vấn về những nội dung mình quan tâm. Nội dung chất vấn hướng tới việc làm rõ trách nhiệm của các Bộ trưởng, trưởng ngành về những việc đã làm được cũng như chưa làm được trong cả nhiệm kỳ. Như vậy, phần chất vấn sẽ diễn ra đối với bất kỳ thành viên Chính phủ nào ngay sau khi đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi. Về điều này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: "Trên cơ sở những tồn tại của việc thực hiện 8 nghị quyết trong các kỳ họp trước thì đại biểu Quốc hội có thể hỏi các Bộ trưởng, trưởng ngành bất kỳ nội dung gì. Cho nên, các Bộ trưởng phải chuẩn bị mọi nội dung và phải giải trình cụ thể trước Quốc hội về nguyên nhân tại sao thực hiện các vấn đề cử tri nêu ra chưa đạt yêu cầu. Quốc hội chất vấn với quan điểm là sẽ truy đến cùng vấn đề, tức là sau khi chất vấn xong, Quốc hội sẽ có Nghị quyết. Nghị quyết này sẽ gửi lại cho khóa sau để tiếp tục đôn đốc theo dõi để giám sát việc thực hiện những tồn tại của khóa 13. Đây là nội dung mới từ trước đến nay, Quốc hội chưa làm bao giờ".
Đa dạng về nội dung chất vấn
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 không đi vào những vấn đề cụ thể ở thời điểm hiện nay mà đi vào đánh giá tổng kết lại việc chất vấn, việc thực hiện các lời hứa, cam kết của các thành viên Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đây là khối lượng công việc lớn, có nhiều vấn đề và phù hợp với với nội dung chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ. Trên cơ sở các báo cáo hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến năm 2015, mỗi đại biểu Quốc hội đều đã có những nội dung yêu cầu đối với các thành viên Chính phủ. Ông Nguyễn Tấn Tuân, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, cho biết: "Tôi đặc biệt quan tâm vấn đề đầu tư phát triển. Nếu cứ theo kiểu đầu tư dàn trải lãng phí thì tiền của của nhà nước sẽ mất đi và hiệu quả đem lại rất thấp. Thứ hai là các chính sách đảm bảo cho an sinh xã hội nếu như không có nguồn kinh phí thì sẽ ảnh hưởng lớn đến một bộ phận những người yếu thế trong xã hội. Tôi nghĩ các bộ trưởng kỳ này sẽ có những giải pháp thật sự tích cực, để tăng nguồn thu và đảm bảo chính sách an sinh xã hội trong thời gian sắp đến".
Đổi mới chất vấn và trả lời chất vấn đã và đang được Quốc hội Việt Nam thực hiện nhằm mục đích nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử, cũng như hiệu quả quản lý ngành, đặc biệt là giải quyết kịp thời những vướng mắc, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri. Những đổi mới nổi bật trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm trong nỗ lực thực hiện ngày càng hiệu quả chức năng giám sát của Quốc hội.