Đối thoại Mỹ-Nga: Ưu tiên giải quyết các vấn đề bất đồng

(VOV5) - Nhiều năm qua, không ít lần Nga-Mỹ nhắc tới khả năng “tái cài đặt” quan hệ song phương.

Ngày 10/1, đại diện Mỹ - Nga tiến hành đàm phán liên quan dự thảo an ninh do Nga đề xuất tại Geneva (Thụy Sĩ). Dù được mong đợi có thể là một trong những thời điểm quan trọng nhất nhằm định hình quan hệ giữa Nga và Mỹ kể từ sau Chiến tranh Lạnh, song không ngoài dự đoán, cuộc đối thoại không đạt kết quả nào mà chỉ xem như là cơ hội để hai bên hiểu hơn về các ưu tiên giải quyết các vấn đề bất đồng.

Cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Nga căng thẳng nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc với trọng tâm thảo luận về đề xuất bảo đảm an ninh của Nga, vấn đề an ninh nhức nhối nhất trong quan hệ hai nước nhiều năm qua, mối lo ngại các hoạt động quân sự của các bên cũng như cuộc khủng hoảng Ukraine. Đây cũng là sự kiện đầu tiên trong chuỗi 3 cuộc gặp diễn ra trong tuần này liên quan tới vấn đề Ukraine. NATO và Nga sẽ tiến hành đàm phán ngày 12/01 tại Brussel, Bỉ và tiếp đó là cuộc gặp giữa Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu một ngày sau đó ở Viena, Áo.

Đối thoại Mỹ-Nga: Ưu tiên giải quyết các vấn đề bất đồng - ảnh 1Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov (phải) và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tại vòng đàm phán an ninh Nga-Mỹ ở Geneva (Thụy Sĩ), ngày 10/1/2022. Ảnh: Denis Balibouse/AP

Khó có đột phá

Trưởng đoàn đàm phán của Nga là Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov, trong khi người đồng cấp Wendy Sherman đại diện phía Mỹ tham dự. Theo tuyên bố của cả hai bên, cuộc đối thoại diễn ra một cách thẳng thắn, song chỉ là cơ hội để hai bên hiểu hơn về các ưu tiên quan ngại của nhau, chứ chưa đưa ra được khung thời gian cụ thể cho bất cứ vấn đề nào. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho biết bà không rõ liệu Nga có thực sự muốn xuống thang tình hình với Ukraine hay không và định nghĩa xuống thang của Mỹ có nghĩa Nga cần rút hàng nghìn quân của mình khỏi biên giới với Ukraine hoặc giải thích rõ về các hoạt động mà quân đội Nga đang tiến hành tại đó.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định Moscow không có ý định thực hiện hành động quân sự bất kể các mối quan ngại của Mỹ về việc Nga tăng cường quân ở biên giới với Ukraine. Ông Sergei Ryabkov nhấn mạnh mọi hoạt động huấn luyện chiến đấu của quân đội Nga đều diễn ra trên lãnh thổ của Nga do đó không có lý do gì phải lo ngại về các hành động leo thang.

Ngay trước thềm đàm phán, cả hai bên đều phát những tín hiệu không mấy tích cực và lạc quan, thậm chí là cứng rắn. Ông Ryabkov khẳng định Nga không loại trừ khả năng nào nhưng sẽ không nhượng bộ trước áp lực và đe dọa của phương Tây. Dù cuộc đối thoại này là mở màn cho 2 sự kiện khác với sự tham gia của khối liên minh quân sự NATO và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nhưng ông Ryabkov cho rằng, hoàn toàn có khả năng đối thoại sẽ chấm dứt ngay sau cuộc họp đầu tiên. Trong khi đó, trước khi gặp ông Ryabkov, bà Sherman cũng nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với các nguyên tắc quốc tế về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự do của các quốc gia có chủ quyền lựa chọn liên minh của riêng mình. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng nhận định trên Đài CNN rằng sẽ không có đột phá nào tại cuộc đối thoại này.

Đối thoại Mỹ-Nga: Ưu tiên giải quyết các vấn đề bất đồng - ảnh 2Quang cảnh vòng đàm phán. Ảnh: Denis Balibouse/AP

Cuộc đối đầu dai dẳng giữa Nga, Mỹ và phương Tây

Lâu nay, mối quan hệ Nga-Mỹ vẫn trong trạng thái "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Nếu như trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, chính sách đối với Nga còn chưa rõ ràng thì định hướng này sẽ rõ ràng và quyết liệt hơn dưới thời Tổng thống Biden. Chính quyền Tổng thống Biden theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn hơn trong quan hệ với Nga, đối đầu thay vì hợp tác.

Giới phân tích nhận định về bản chất, đối đầu Nga-Mỹ hay Nga - phương Tây có liên quan tới cuộc cạnh tranh địa-chính trị và tranh giành ảnh hưởng, vị thế trên trường quốc tế cũng như những mâu thuẫn lợi ích cốt lõi. Trong vòng xoáy đối đầu địa-chiến lược đó, những động thái của Mỹ và phương Tây như mở rộng sự hiện diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía Đông bằng cách kết nạp thêm các nước láng giềng của Nga làm thành viên, triển khai vũ khí và lực lượng khu vực sát biên giới Nga... luôn bị Moscow coi là mối đe dọa đối với những lợi ích cốt lõi của Nga. Đó cũng là lý do Moscow luôn đáp trả tương ứng với các động thái trừng phạt của Mỹ và phương Tây.

Nhiều năm qua, không ít lần Nga-Mỹ nhắc tới khả năng “tái cài đặt” quan hệ song phương. Điều này chứng tỏ cả hai bên vẫn nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ song phương ổn định. Tuy nhiên, khó để có một bước ngoặt trong quan hệ Nga-Mỹ sau những cuộc gặp giữa hai bên, kể cả các cuộc gặp thượng đỉnh. Những cuộc gặp gần đây rõ ràng không phải là để khởi động lại quan hệ, mà hay vào đó chỉ là để thống nhất các quy tắc cạnh tranh, là cơ hội để hai bên hiểu hơn về các ưu tiên và quan ngại của nhau. Và cuộc gặp cấp cao lần này cũng không là ngoại lệ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác