(VOV5)- Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có nhiều điểm mới trong quy định về lĩnh vực kinh tế, thu hút sự tham gia góp ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế cũng như các doanh nghiệp. Trong đó, quy định tính chất của nền kinh tế, không quy định cụ thể các thành phần kinh tế… là những điểm được các chuyên gia, nhà nghiên cứu tập trung góp ý kiến.
Điều 54 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có quy định tính chất của các nền kinh tế và không ghi tên cụ thể từng thành phần kinh tế. Đây là điểm mới được các chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế ghi nhận là đã thể hiện khái quát và cô đọng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, tất cả các thành phần kinh tế đều bình đẳng, không xác định thành phần kinh tế nào là chủ đạo. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thép Việt Đức, cho rằng: Nếu như Hiến pháp và pháp luật tạo ra sự bình đẳng thì sẽ huy động được sức mạnh bền vững của nền kinh tế, tăng nguồn vốn, mang lại hiệu quả cho các doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước. Ông Nguyễn Ngọc Bảo phân tích: “Điểm mới trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này không đưa ra các thành phần kinh tế cụ thể, đó là một tín hiệu rất tốt. Vì khi chúng ta đưa ra các thành phần kinh tế cụ thể thì các thành phần kinh tế cũng sẽ rất dễ bị phân biệt đối xử. Chúng ta khẳng định các thành phần kinh tế phải có trách nhiệm ngang nhau trước pháp luật và các thành phần kinh tế phải có nghĩa vụ duy nhất, Nhà nước bảo vệ quyền đó, là phải hoạt động theo pháp luật.”
Tuy nhiên, theo ông Đặng Thế Vinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 không đề cập gì tới thành phần kinh tế Nhà nước về sở hữu một khối lượng lớn tài sản của nền kinh tế là điều nên cân nhắc. Cùng ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương, cho rằng Hiến pháp phải có tính ổn định lâu dài. Vì vậy, nếu Hiến pháp ghi hết các thành phần kinh tế thì có thể hợp với thời điểm hiện tại nhưng có thể lạc hậu khi các thành phần kinh tế vận động khác đi: Tôi cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này không đề cập, liệt kê đến các thành phần kinh tế; khi không liệt kê thì không khẳng định vai trò các thành phần kinh tế. Do đó, vì không liệt kê, một số người hiểu là Đảng, Nhà nước Việt Nam từ bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, hiểu như vậy là chưa chính xác. Nói rằng Hiến pháp không quy định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, nói như vậy là đúng, nhưng nói là Đảng, Nhà nước Việt Nam bỏ vai trò chủ đạo của nhà nước là hiểu không đúng.”
Góp ý sửa đổi hiến pháp trong hội nghị của Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam
Trong khi đó, nhiều ý kiến khác đề nghị cần khẳng định trong Điều 54 vai trò của Nhà nước trong việc tạo điều kiện như nhau cho sự phát triển và đóng góp của các thành phần kinh tế. Theo ý kiến một số đại biểu, mặc dù Điều 55 và Điều 56 của dự thảo cũng đã có đề cập nhưng vẫn chưa thể hiện rõ việc Nhà nước sẽ đảm bảo đảm việc tiếp cận các nguồn lực như nhau để các thành phần kinh tế cùng phát triển. Cũng cùng quan điểm này, có ý kiến đề nghị quy định thêm nội dung tại Điều 54 là Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho từng thành phần kinh tế theo yêu cầu phát triển của đất nước để không có sự "suy bì" trong quá trình vận hành pháp luật.
Quy định về Vai trò quản lý Nhà nước trong nền kinh tế cũng có những sửa đổi, bổ sung thêm nhiều nội dung mới trong Điều 53 như: Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường, thúc đẩy liên kết vùng, bảo đảm phát triển hài hoà giữa các vùng địa phương và tính thống nhất của nền kinh tế. Ông Hoàng Đăng Quang, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, khẳng định việc bổ sung phát triển kinh tế tri thức trong phát triển và đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước là hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển của đất nước mà Đảng Việt Nam đã đề ra. Ông Hoàng Đăng Quang lý giải: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định phương hướng đầu tiên trong 8 định hướng lớn trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ đi lên Chủ nghĩa xã hội đó là “ Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới”. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ…phải đi tắt đón đầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo mô hình hiện đại rút ngắn để phát triển kinh tế tri thức, nền kinh tế nước nhà…Do đó, tôi đề nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần khẳng định rõ điều 53 là “…đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn liền với phát triển kinh tế tri thức…” đó là vấn đề có tính tất yếu, phù hợp với xu hướng có tính thời đại và hoàn toàn phù hợp với Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển 2011).”
Một đất nước vững mạnh phải có một nền kinh tế thật sự mạnh. Trong bối cảnh tự do hóa thương mại đang diễn ra với tốc độ nhanh, nền kinh tế Việt Nam cần có những bước cải cách mang tính đột phá để bắt kịp xu thế của nền kinh tế thế giới. Việc sửa đổi chế độ kinh tế theo hướng bình đẳng giữa các thành phần kinh tế sẽ góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế, phát huy được tất cả tiềm năng của xã hội, góp phần vào mục tiêu chung của đất nước./.