EU - Trung Quốc đối thoại để thu hẹp bất đồng

(VOV5) - Trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc cố gắng tìm các điểm chung với châu Âu trong việc xử lý quan hệ với Nga...

Ngày 01/4, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc diễn ra theo hình thức trực tuyến. Trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc - EU tồn tại nhiều bất đồng về chính trị, ngoại giao, nhất là khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, hội nghị lần này là một phép thử nữa cho mối quan hệ song phương.

EU - Trung Quốc đối thoại để thu hẹp bất đồng - ảnh 1Ảnh minh họa - Nguồn: politico.eu

Tại Hội nghị, hai bên xem xét toàn diện chương trình nghị sự song phương, bao gồm quan hệ thương mại và đầu tư, hành động đối phó với biến đổi khí hậu, kỹ thuật số, nhân quyền, phục hồi kinh tế sau đại dịch, cũng như các vấn đề khu vực. Ngoài mối quan hệ giữa Trung Quốc-Nga và cuộc xung đột ở Ukraine, chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc cũng bao gồm tranh chấp thương mại với Litva, cáo buộc của phương Tây về vấn đề Tân Cương và Đài Bắc (Trung Hoa).

Những thách thức không nhỏ

Trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc cố gắng tìm các điểm chung với châu Âu trong việc xử lý quan hệ với Nga, nhằm không để các khác biệt giữa hai bên ảnh hưởng đến tổng thể quan hệ Trung Quốc-EU.  Trung Quốc luôn cho rằng việc cố gắng liên kết vị thế của nước này trong cuộc khủng hoảng Ukraine với tương lai của mối quan hệ Trung Quốc-EU là không phù hợp, do vậy Bắc Kinh cố gắng để EU hiểu rằng cần phải tìm ra những mối quan tâm chung giữa hai bên trong vấn đề này để không tác động tiêu cực đến sự phát triển của quan hệ song phương.

Trong quan hệ kinh tế, Hiệp định đầu tư song phương giữa Trung Quốc và EU ký kết hồi cuối năm 2020 đang bị đình trệ; khúc mắc giữa hai bên trong vấn đề Đài Bắc (Trung Hoa)... là những trở ngại thực sự mà hai bên cần vượt qua. Quan hệ giữa EU - Trung Quốc còn xấu đi trong năm 2021 vì các quyết định trừng phạt lẫn nhau liên quan đến các cáo buộc về vấn đề Tân Cương. EU từng yêu cầu Trung Quốc lập tức gỡ bỏ các trừng phạt đối với các nghị sĩ, các học giả châu Âu, qua đó dần phá thế bế tắc trong tiến trình phê chuẩn Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc. Bên cạnh đó, khúc mắc trong quan hệ giữa Trung Quốc với một quốc gia thành viên EU là Litva khiến EU đã phải nộp đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới – WTO. Châu Âu cũng nóng lòng muốn Trung Quốc thay đổi các điều khoản liên quan đến việc mở cửa thị trường, cơ chế cạnh tranh, hợp tác chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học.

Xu hướng cùng hợp tác, tin cậy lẫn nhau

Về tổng thể, dù còn nhiều bất đồng lớn nhưng giữa EU và Trung Quốc có nhiều không gian đối thoại và hợp tác. Cả hai phía cùng đều coi trọng quan hệ song phương hiện nay, đặc biệt là về mặt kinh tế. Châu Âu không muốn có thêm căng thẳng kinh tế - ngoại giao nữa với Trung Quốc khi khối này đang trong tình thế đối đầu toàn diện với Nga.

Còn Trung Quốc cũng không mong muốn tổn hại một đối tác thương mại lớn hàng đầu như EU, càng không muốn áp dụng các chính sách có thể khiến châu Âu ngả hoàn toàn về phía Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc. Bắc Kinh rất coi trọng cuộc gặp Thượng đỉnh lần này với EU. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, Trung Quốc và EU nên là những lực lượng bảo vệ hòa bình thế giới và thúc đẩy sự phát triển chung của thị trường Trung Quốc và châu Âu. Hai bên nên tăng cường trao đổi chiến lược và tin cậy lẫn nhau, tiến hành đối thoại trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và các bên cùng có lợi, tiếp thêm năng lượng tích cực và sự ổn định cho tình hình toàn cầu đang có nhiều xáo trộn.

Thực tế cho thấy, bất chấp những khó khăn trong quan hệ chính trị, ngoại giao, hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu vẫn tiếp tục mở rộng. Kim ngạch thương mại giữa EU và Trung Quốc năm 2021 đạt mức gần 700 tỷ euro. Hai tháng đầu năm 2022, EU đã vượt qua ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc sau khi mất vị trí này vào năm 2021. Thương mại song phương giữa Trung Quốc và EU tăng 14,8% so với cùng kỳ, đạt 137,16 tỷ USD. Do vậy, hai bên có thể hợp tác cùng nhau để ứng phó với một số khó khăn của kinh tế toàn cầu.

EU - Trung Quốc đối thoại để thu hẹp bất đồng - ảnh 2Ông Josep Borrell, quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU - Ảnh: THX/TTXVN

Ông Josep Borrell, quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, hồi tháng 1/2022,  nhận định rằng Hội nghị thượng đỉnh này " là một thời điểm quan trọng để đánh giá chúng ta (châu Âu) đang ở đâu trong mối quan hệ với Trung Quốc”. Còn Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis, ngày 28/2, cho rằng hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc vào ngày 1/4 là nỗ lực xoa dịu căng thẳng đang gia tăng giữa hai bên.

Nhìn chung, giới chuyên gia không đặt quá nhiều hy vọng vào kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần này song dù sao, việc hai bên tiến hành đối thoại cấp cao cũng cho thấy thiện chí hợp tác tháo gỡ bất đồng đang chiếm ưu thế.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác